| Hotline: 0983.970.780

Lúa thu đông lo lũ lớn

Thứ Sáu 10/08/2012 , 11:15 (GMT+7)

Vụ lúa thu đông (TĐ) năm nay nông dân ở ĐBSCL sốt sắng gieo sạ sớm, nối vụ ngay sau khi thu hoạch lúa HT. Qua khảo sát tình hình SX của các tỉnh, thị trường tiêu thụ lúa chưa được thuận lợi, nông dân lo rủi ro do lũ lớn bất ngờ...

Vụ lúa thu đông (TĐ) năm nay nông dân ở ĐBSCL sốt sắng gieo sạ sớm, nối vụ ngay sau khi thu hoạch lúa HT. Qua khảo sát tình hình SX của các tỉnh, thị trường tiêu thụ lúa chưa được thuận lợi, nông dân lo rủi ro do lũ lớn bất ngờ...

Tỉnh tăng, tỉnh giảm

Theo Cục Trồng trọt, kế hoạch SX vụ TĐ năm 2012 ở ĐBSCL khoảng 682.000 ha, tăng gần 23.740 ha so với năm 2011. Vùng lúa TĐ phải đảm bảo đê bao an toàn, SX ăn chắc. Theo đó có 3 tiểu vùng SX: Vùng ngập lũ sâu ở hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp SX 255.000 ha; các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ SX hơn 260.000 ha, tương đương năm 2011; các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau SX khoảng 160.000 ha. Đây là vùng SX ít bị ảnh hưởng lũ và phù hợp mô hình tôm-lúa thành công cho năng suất cao, phẩm chất hạt gạo tốt.

Đến đầu tháng 8/2012 dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Đến ngày 6/8 mực nước cao nhất tại Châu Đốc 2,05 m; tại Tân Châu lên 2,30 m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 30,37 cm. Tại vùng Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa (Long An) mực nước đã xấp xỉ cùng kỳ với gần 0,7 m.


Nông dân ĐBSCL ráng làm lúa TĐ nhưng vẫn nơm nớp lo mất mùa

Trong lúc này lúa HT ở các tỉnh vùng ĐBSCL thu hoạch hơn 50% diện tích, vụ lúa TĐ đã xuống giống được gần 330.000 ha, đạt hơn 50% kế hoạch. Theo Chi cục BVTV các tỉnh phía Nam, tình hình dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá được giám sát chặt chẽ, sâu bệnh ít, không đáng kể. Một số địa phương gieo sạ lúa sớm nay đã có lúa chín hơn 3.000 ha. Riêng lúa đang giai đoạn làm đòng trổ hơn 70.000 ha, do ảnh hưởng diễn biến thời tiết nên bệnh đạo ôn lá có hướng tăng lên.

Tuy nhiên, điều lo lắng trong vụ TĐ này được các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp và các địa phương chịu thiệt hại nặng đã cảnh báo trước: Phải thận trọng trước diễn biến bất thường của thời tiết. Nhưng đến vụ TĐ năm nay, trong khi các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ không tăng thêm diện tích thì ở hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp dự kiến tăng thêm.

An Giang có kế hoạch SX lúa TĐ 145.000-148.000 ha, tăng khoảng 15.000 ha; Đồng Tháp dự kiến có 110.000 ha lúa TĐ. Nông dân có tâm lý không thể ngồi không trong mùa lũ, vì canh tác lúa TĐ như một cách tạo thêm thu nhập. Một vài địa phương chính quyền khuyến cáo giảm diện tích lúa TĐ ở một số địa phương đê bao không vững.

Ở Đồng Tháp nhận thấy giá lúa thấp, tiêu thụ lúa HT vừa qua gặp khó và nhất là qua kiểm tra đê bao lo ngại lũ lớn bất thường đã khuyến cáo giảm diện tích 20.000 ha, chỉ còn khoảng 87.000 ha. Tại một số vùng đê bao không chắc chắc, tỉnh An Giang cũng báo động nên giảm bớt 7.000-8.000 ha.

SX phải kiểm soát được lũ

Trong những năm gần đây lợi thế và hiệu quả vụ lúa TĐ đưa vào cơ cấu SX 3 vụ lúa chính ở ĐBSCL đã được khẳng định. Song cho đến nay ở những vùng chịu ảnh hưởng lũ, lũ ngập sâu chưa có bài tính cụ thể về hiệu quả SX trong điều kiện lũ đe dọa, tiền của và nhân lực cả cộng đồng xã hội phải bỏ ra đầu tư và bảo vệ gia cố đê bao.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ mùa lũ 2011 được xem là bất thường còn đó. Tổng kết thiệt hại khá lớn. Một số tuyến đê bao bị tàn phá nặng, với hơn 250.000 m đê bao hư hao, 55 km tỉnh lộ, quốc lộ bị thiệt hại. Diện tích lúa TĐ và hoa màu bị ngập úng khoảng 27.000 ha, trong đó khoảng 10.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn.

Trong 635.385 ha lúa TĐ 2011, diện tích lúa bị mất trắng do vỡ đê 7.565 ha, chiếm 1,2%. Lúa bị thiệt hại tập trung nặng nhất ở An Giang 3.902 ha và Đồng Tháp 2.073 ha.

Một cán bộ nghiên cứu hệ thống canh tác lúa ở ĐBSCL phân tích: “ĐBSCL có 7 vùng sinh thái và không phải đất nơi nào cũng làm lúa TĐ được. Đất vùng lũ nông dân phải lựa chọn thời điểm né lũ hoặc hạn cuối vụ và tránh ảnh hưởng tới thời vụ ĐX. Mặt tích cực lúa TĐ thu hoạch chất lượng khá cao, mùa này bán được giá cao và có thể dùng làm giống cho vụ ĐX. Tuy nhiên mặt bất lợi là mùa lũ trên sông Hậu, sông Tiền, nước lũ tràn về.

Những nơi không có đê bao có nguy cơ bị mất trắng hoàn toàn. Do đó chỉ nên trồng lúa TĐ ở những nơi hoàn toàn kiểm soát được nước lũ, không nên gieo sạ lúa TĐ quá muộn làm ảnh hưởng đến thời vụ của lúa ĐX. Riêng ở vùng ven biển Nam bộ và bán đảo Cà Mau nên phát triển mạnh lúa TĐ vì không bị ngập lũ sâu, nhất là phù hợp hợp trồng lúa TĐ theo mô hình tôm-lúa”.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhận định: Hiện nay trong tình hình tiêu thụ lúa chưa được thuận lợi, giá lúa thấp, trong khi dự báo diễn biến thời tiết mưa bão, nước lũ có thể về sớm. Mực nước lũ còn là ẩn số chưa thể biết được cao hay thấp hơn mùa lũ năm 2011. Do vậy trong cuộc họp gần đây Bộ NN-PTNT khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL triển khai vụ lúa TĐ cần lưu ý bố trí ở những vùng có đê bao đảm bảo, SX ăn chắc khoảng 600.000 ha và bố trí cơ cấu các giống lúa phù hợp.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.