Làm tập trung và kết nối tiêu thụ
Anh Đặng Hữu Chỉnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) trả lời rằng: "HTX có 1.100 mẫu lúa, trước khi bão số 3 (Yagi) vào, chúng tôi đã chủ động giữ nước để chống đổ nên chỉ bị đổ mất 50 mẫu, bà con phải buộc. Riêng trong mô hình lúa không bị đổ nhưng một số bị táp lá do gió làm dập, gây nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến năng suất.
Giống Đài Thơm 8 được chúng tôi sản xuất từ vụ mùa năm ngoái tới nay, bà con đánh giá là cứng cây, ít sâu bệnh, đặc biệt là chống chịu bạc lá tốt chứ không như Bắc Thơm số 7, hơn thế cơm ăn ngon, không bị hồi gạo khi để lâu. Với giá bán 9.000đ/kg lúa tươi, đây là mức kỷ lục từ trước đến nay, dù năng suất giảm nhưng thu nhập của nông dân vẫn khá".
Trước vụ mùa năm nay, HTX đăng ký với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội và Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên để tham gia vào chương trình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thành phố với diện tích 40ha, giống lúa Đài Thơm 8. Nông dân được hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón, thuốc BVTV. Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) ký hợp tác với HTX để bao tiêu để làm lúa giống, nếu không đạt tiêu chuẩn thì cũng bao tiêu dưới dạng lúa thương phẩm. Lúa được cấy máy toàn bộ rồi bàn giao cho nông dân. Trong quá trình sản xuất, HTX tổ chức phun thuốc tập trung bằng máy bay không người lái nên nông dân chỉ việc chăm sóc.
Đến lúc thu hoạch, HTX lại thuê máy gặt đập liên hợp về, ai có nhu cầu bán bao nhiêu thì chở thóc đến điểm cân tươi ngay đầu bờ. Vụ mùa năm ngoái HTX đã liên kết với Vinaseed trồng 20ha lúa Đài Thơm 8, năng suất 1,6 - 2,2 tạ/sào (sào 360m2), giá 8.400đ/kg tươi nên vụ mùa này khi triển khai chương trình với Trung tâm Phát triển nông nghiệp bằng giống lúa Đài Thơm 8 thì người dân rất đồng tình...
Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, ngay từ đầu vụ mùa năm 2024, đơn vị đã phối hợp với công ty giống, vật tư để triển khai chương trình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Việc sản xuất diễn ra thuận lợi đến đầu tháng 9 thì gặp bão Yagi nên bị ảnh hưởng ít nhiều. Trước tình hình ấy, Sở NN-PTNT Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương khắc phục ngay hậu quả bão lụt. Cơ bản các vùng lúa nằm trong chương trình là tốt, năng suất đạt từ 58 - 62 tạ/ha. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp thu mua lúa tươi cho bà con ở mức 9.000đ/kg, đẩy giá thóc khô lên 13 - 14.000đ/kg, lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng/ha.
"Ruộng mô hình lúa đứng còn ruộng của bà con bên ngoài lúa nằm nhiều vì trước khi triển khai chương trình chúng tôi đã khảo nghiệm nhiều giống lúa ở các địa phương để chọn ra cơ cấu giống vừa chống chịu tốt các điều kiện thời tiết bất thuận vừa có năng suất suất, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tư vấn cho bà con bón phân cân đối cũng như có giải pháp đưa nước vào, rút nước ra để chống đổ khi có mưa bão. Như ở xã Đồng Phú của huyện Chương Mỹ, trước khi có bão Yagi chúng tôi tổ chức cho rút hết nước nên khi có mưa lớn, nước dâng cũng không bị ngập nhiều. Còn ở xã Châu Can của huyện Phú Xuyên thì chúng tôi tổ chức cho giữ nước để chống đổ", bà Hoàng Thị Hòa cho biết.
16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao
Anh Lê Tiến Xuân - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên khẳng định, qua cơn bão Yagi và trận lụt sau bão đã biết giống lúa nào chống chịu tốt, nhất là khả năng chống ngã đổ để xác định cơ cấu giống cho địa phương trong những vụ sau. Tương lai của chương trình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu không chỉ dừng lại ở hai xã trên địa bàn huyện như hiện nay mà còn ở nhiều xã khác.
Một hướng đi nữa mà anh Xuân rất đồng tình với chị Hòa là mô hình một vụ lúa - một vụ cá/năm. Nếu làm một vụ lúa ở vụ xuân và nuôi một vụ cá ở vụ mùa thì sẽ không phải lo chống úng nữa. Mục tiêu của Phú Xuyên khi tham gia chương trình là sản xuất lúa hàng hóa, gặt lên bờ bán luôn, đỡ phải công phơi phóng cho nông dân...
Năm 2024 mặc dù gặp nhiều điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh hại, tuy nhiên Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao tại 16 xã thuộc 9 huyện gồm: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Phú Xuyên. Tổng diện tích của 16 vùng là 960ha (vụ xuân 650ha, vụ mùa 310ha), gồm 60ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; 295ha sản xuất lúa theo VietGAP; 600ha sản xuất lúa an toàn; 5ha sản xuất lúa – cá với các giống J02, Đài Thơm 8, TBR225, HD11, nếp cái hoa vàng.
Năng suất lúa an toàn, VietGAP đạt 5,8 - 7,2 tấn/ha; lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 5 - 6,2 tấn/ha; Năng suất lúa trong mô hình lúa – cá đạt 6,3 - 6,4 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica (giống J02) sau khi trừ tất cả chi phí và nhân công đạt 30 - 32,5 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống Khang Dân 18 là 25 - 27,9 triệu đồng/ha, cao hơn giống Bắc Thơm số 7 là 15,4 triệu đồng/ha.
Hiệu quả kinh tế của các giống lúa chất lượng đạt 17 - 23 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống Bắc Thơm số 7 từ 2 - 8,5 triệu đồng/ha, cao hơn giống lúa Khang Đân 18 từ 12 - 19 triệu đồng/ha/vụ. Trung tâm đã kết nối được 5 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là: Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty TNHH lương thực Long Vũ, Công ty TNHH lương thực, thực phẩm Khang Long, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội.
Vụ xuân các doanh nghiệp đã thu mua được gần 1.000 tấn thóc tươi cho nông dân tham gia mô hình với giá 7.800 - 8.400đ/kg; vụ mùa đã tiêu thụ được gần 500 tấn thóc tươi với giá 7.500 – 8.000 đồng/kg. Tại HTX Phú Nghĩa (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên) và HTX Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) sản xuất đạt chất lượng lúa giống nên doanh nghiệp thu mua với giá 9.000 đồng/kg thóc tươi, lượng thóc còn lại nông dân để sử dụng trong gia đình.
"Quan điểm của chúng tôi khi triển khai chương trình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu là làm tập trung chứ không rải mành mành, cuốn chiếu từng xã một, chọn ra những nhân tố tích cực như các giám đốc HTX để thúc đẩy, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Một hướng nữa trong thời gian tới là ở những vùng trũng thì thực hiện mô hình lúa - cá gắn với xây dựng thương hiệu", bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết.