| Hotline: 0983.970.780

Ngành trồng trọt tỉnh Quảng Ninh từng bước phục hồi sau bão

Thứ Ba 08/10/2024 , 14:34 (GMT+7)

Đến nay, nhiều diện tích trồng trọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được phục hồi, vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm, vừa mang lại sinh kế cho người nông dân.

Nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng do bão số 3 đã được phục hồi, chuẩn bị cho thu hoạch trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng do bão số 3 đã được phục hồi, chuẩn bị cho thu hoạch trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh thống kê có hơn 7.600ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng…, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cây trồng.

Ngay sau cơn bão, chính quyền địa phương và người dân đã nhanh chóng triển khai nhiều phương án để khắc phục ảnh hưởng do bão gây ra, từng bước tái sản xuất. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, 2 tuần sau bão, hơn 90% diện tích canh tác bị ảnh hưởng đã dần phục hồi.

Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3 với hơn 2.000ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng…, đến nay thị xã Đông Triều đã cơ bản khôi phục lại hoạt động trồng trọt.

Theo bà Nguyễn Thị Hợi, nhiều cây lúa có tới 2/3 hạt bị lép do trong giai đoạn lên đòng bị gió bão quật đổ và ngập nước trong thời gian dài. Ảnh: Thanh Phương.

Theo bà Nguyễn Thị Hợi, nhiều cây lúa có tới 2/3 hạt bị lép do trong giai đoạn lên đòng bị gió bão quật đổ và ngập nước trong thời gian dài. Ảnh: Thanh Phương.

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hợi (khu Nội Hoàng Đông, phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều) đang tất bật chăm sóc, khơi thông dòng chảy để chuẩn bị thu hoạch hơn 7 sào lúa nếp cái hoa vàng của gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hợi chia sẻ: “Bão vào đúng thời điểm lúa đang làm đòng nên năng suất lúa giảm, thậm chí nhiều cây lúa có tới 2/3 là hạt lép. Thêm vào đó do bị ngập lâu ngày nên lúa dễ bị sâu bệnh. Sau bão, tôi cố gắng chăm sóc, chỉ mong cây phục hồi lại để thu hoạch, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.

Đến nay, ruộng lúa nhà bà Hợi đã chín vàng, dự kiến thời gian thu hoạch sẽ khoảng giữa tháng 10. Sau khi kết thúc vụ lúa, bà Hợi và gia đình tính toán cải tạo lại đất và trồng thêm một số loại rau màu để có thêm kinh phí bù đắp lại diện tích lúa thất thu.

Trước đó, để khắc phục diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, UBND thị xã Đông Triều đã huy động nhân lực, thiết bị máy bơm để kịp thời bơm tiêu úng cho cây. Đặc biệt đối với cây lúa, hướng dẫn nông dân dựng buộc đối với diện tích bị đổ, giữ mức nước 3-5cm mặt ruộng để lúa trổ bông và vào chắc được tốt. Cùng với đó, vệ sinh đồng ruộng và kiểm tra, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại.

Ước tính, đến nay trên 1.700ha lúa, hoa màu của thị xã Đông Triều đã được phục hồi. Diện tích hoa màu bị hư hại đã được thu gom, dọn dẹp để đảm bảo không phát sinh dịch bệnh, đồng thời xử lý, tái tạo lại nguồn đất để phục vụ canh tác.

Người dân xã Tiền An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) tích cực trồng một số loại rau ngắn ngày. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân xã Tiền An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) tích cực trồng một số loại rau ngắn ngày. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cùng với thị xã Đông Triều, những ngày qua bà con nông dân tại thị xã Quảng Yên đang hối hả dọn dẹp ruộng đồng và bắt tay gieo trồng rau màu. Gần 1 tháng sau bão, xã Tiền An (khu vực trồng rau lớn nhất của thị xã Quảng Yên) đang dần xanh tươi trở lại, hứa hẹn đem lại vụ rau bội thu.

Vừa nhanh tay dọn cỏ cho luống hành lá, bà Đàm Thị Thu (xã Tiền An, thị xã Quảng Yên) vừa tâm sự: “Luống hành lá này tôi trồng trước bão, may sao chăm sóc lại kịp thời nên bây giờ vẫn sống. Còn những diện tích khác thì cây đều bị dập nát hết, buộc phải nhổ để làm lại đất. Hiện tại tôi đang trồng rau cải và su hào, đến nay đều nảy mầm và sinh trưởng tốt”.

Theo tính toán, luống hành lá của gia đình bà Đàm Thị Thu sẽ được thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo tính toán, luống hành lá của gia đình bà Đàm Thị Thu sẽ được thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, ban ngành cùng sự quyết tâm, đồng lòng của bà con nông dân, nhiều diện tích trồng trọt đã được phục hồi và tái sản xuất lại sau bão. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh mà còn mang đến sinh kế cho người nông dân, đảm bảo cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Trao đổi về kế hoạch phục hồi lại hoạt động trồng trọt sau bão số 3, ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh thông tin: “Chúng tôi đã chủ động tham mưu, báo cáo UBND tỉnh ban hành kế hoạch sản xuất vụ đông, trong đó đề xuất tăng diện tích cây trồng lên hơn 1.000ha so với năm 2023. Đồng thời lựa chọn cây trồng ngắn ngày để đảm bảo nguồn cung, tăng hệ số sử dụng đất, hạn chế khan hiếm mặt hàng nông sản, thực phẩm trong thời diểm cuối năm”.

Song hành với đó, Chi cục còn chủ động tham mưu cho ngành nông nghiệp đề xuất, xây dựng đề án phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung cho hoạt động trồng trọt, bảo vệ thực vật khắc phục sau bão giai đoạn 2025-2030 và đảm bảo ổn định sản xuất, sinh kế cho người sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất