Tại phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề phòng chống tham nhũng trở thành nội dung quan trọng nhất trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Trong 5 năm qua, đã có 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo được đưa ra xét xử. Tổng số tài sản thu được là gần 80 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số rất đáng phấn khởi, thể hiện quyết tâm đẩy lùi tiêu cực trong xã hội, đồng thời góp phần chấn chỉnh kỷ cương và đạo đức cán bộ.
Tuy nhiên, so với mức độ thiệt hại mà các vụ án tham nhũng đã gây ra, thì tài sản thu hồi vẫn còn khá khiêm tốn. Vì sao như vậy? Vì những năm trước, tòa án cứ tuyên còn thu hồi tài sản ra sao lại phụ thuộc vào lực lượng thi hành án. Gần đây, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng yêu cầu ngay từ khi khởi tố vụ án, điều tra đã phải quan tâm đến khía cạnh thu hồi tài sản.
Để làm tốt hơn nữa việc thu hồi tài sản tham nhũng và ngăn ngừa hành vi tham nhũng, cần có biện pháp giám sát tài sản thật cụ thể và thật nghiêm minh. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao – Lê Minh Trí phát biểu: “Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật Đăng ký tài sản, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng”.
Luật Đăng ký tài sản, tại sao không? Nhiều năm nay, việc kê khai tài sản chỉ thực hiện đối với những cán bộ trong hệ thống chính trị, mà không có sự ràng buộc gì với thân nhân của họ. Chẳng có đối tượng tham nhũng nào lại dại dột đến mức tự đứng tên những tài sản có giá trị. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi bà conncô bác hoặc anh em dòng tộc của đối tượng tham nhũng cứ vô tư sở hữu siêu xe và biệt thự, còn đối tượng tham nhũng thì chẳng có gì để khắc phục hậu quả.
Luật Đăng ký tài sản sẽ minh bạch hóa tất cả các nguồn thu cá nhân. Nếu có Luật Đăng ký tài sản sẽ không có chuyện người vợ nhàn rỗi suốt ngày của đối tượng tham nhũng nhờ nuôi gà hoặc nuôi lợn mà có hàng nghìn tỷ đồng. Nếu có Luật Đăng ký tài sản cũng sẽ không có chuyện đứa con đang tuổi cắp sách đến trường của đối tượng tham nhũng lại ung dung đứng tên trang trại hàng trăm hecta.
Từ Luật Đăng ký tài sản, ngân sách sẽ thu được khoản thuế từ thừa kế. Bởi lẽ, hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều áp dụng mức thuế rất cao đối với người thừa kế. Yếu tố ấy sẽ giảm thiểu thói quen ỷ lại, thói quen dựa hơi mà khuyến khích mọi người cùng lao động và sáng tạo để hưởng thụ chính thành quả do mình làm ra.