| Hotline: 0983.970.780

Lực cản Hà Tĩnh: [Bài 4] Tổ khuyến nông cộng đồng - 'hữu danh vô thực'

Thứ Năm 19/09/2024 , 10:41 (GMT+7)

Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 183 tổ khuyến nông cộng đồng nhưng số tổ có hoạt động và hoạt động có hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tổ hoạt động hiệu quả khiêm tốn

Theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, trong tiêu chí số 13 về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”, yêu cầu rất rõ ràng, mạch lạc: “Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”.

Danh sách Tổ khuyến nông cộng đồng xã Cẩm Mỹ

Danh sách Tổ khuyến nông cộng đồng xã Cẩm Mỹ

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh, trong 2 năm vừa qua, mô hình thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) tại cơ sở gần như đang thành lập cho có, “hữu danh vô thực”.

Báo cáo của Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh đã thành lập được 183 tổ KNCĐ (trong đó 180/182 xã; 2 thị trấn và 1 phường), với 2.377 thành viên tham gia. Các tổ được thành lập theo Quyết định của UBND xã/phường/thị trấn.

Bài liên quan

Trong quá trình vận hành, về cơ bản các tổ tuân thủ quy định của pháp luật, quy định của địa phương và nội quy, quy chế, điều lệ hoạt động của tổ; liên kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, xét về hiệu quả đang rất khiêm tốn. 

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phân tích một số tồn tại sau khi “mục sở thị” hàng loạt tổ KNCĐ tại các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Khê:

Thứ nhất, các tổ chưa xây dựng được Quy chế hoạt động chung, mô hình mẫu về tổ KNCĐ hiệu quả. Tổ KNCĐ ở mỗi xã được thành lập và hoạt động với quy trình, nhân sự, hoạt động và đánh giá hiệu quả khác nhau, không có sự đồng nhất. Một số địa phương lúng túng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.

Thứ 2, chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ hoạt động khuyến nông nói chung và khuyến nông cộng đồng nói riêng; các hoạt động của tổ KNCĐ đa phần chưa tạo được nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu từ dịch vụ, vì một số tổ chưa đủ tư cách pháp lý để hoạt động dịch vụ (một số tổ hiện đang sử dụng tư cách pháp nhân của thành viên hợp tác xã). Hiện nay, cũng chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về việc thu phí dịch vụ hoạt động của tổ KNCĐ để làm căn cứ thực hiện.

Song số tổ hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Thanh Nga.

Song số tổ hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ 3, địa điểm làm việc, trang thiết bị (máy tính, máy in, tủ đựng tài liệu, thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn,…) phục vụ hoạt động cho tổ KNCĐ đang được bố trí chung với các tổ chức, đoàn thể khác.

Thứ 4, phần lớn các tổ KNCĐ mới được thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn nên trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động và năng lực tham mưu gặp nhiều hạn chế.

Thứ 5, tổ KNCĐ là một tổ chức tự nguyện, các thành viên tổ KNCĐ đa phần kiêm nhiệm, không có chuyên môn và kinh nghiệm sâu về hoạt động khuyến nông cộng đồng, thời gian làm việc cho tổ còn ít, địa bàn rộng, nhiều nội dung chồng chéo với nhiệm vụ của một số tổ chức khác.

Tháng 7/2023 xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên ban hành quyết định thành lập tổ KNCĐ với 10 thành viên, nòng cốt là cán bộ địa chính nông nghiệp, các Hội: nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, hợp tác xã, thôn trưởng, các hộ dân…

Theo bà Lê Thị Lệ, cán bộ địa chính nông nghiệp xã kiêm Tổ trưởng tổ KNCĐ, sau khi thành lập, tổ đưa vào kế hoạch 6 nội dung phấn đấu thực hiện nhưng đến nay mới hoàn thành được 1 nội dung là tư vấn sản xuất VietGAP và cấp mã số vùng trồng, các nội dung còn lại không hoàn thành.

“Thực tế thành lập tổ để đáp ứng tiêu chí NTM còn đi sâu tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân thì chưa làm được”, bà Lệ nói.

Ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết, việc thành lập tổ KNCĐ cơ bản mới chỉ để đảm bảo tiêu chí NTM. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết, việc thành lập tổ KNCĐ cơ bản mới chỉ để đảm bảo tiêu chí NTM. Ảnh: Thanh Nga.

Phân tích khó khăn trong việc vận hành tổ KNCĐ Cẩm Mỹ, bà Lệ cho biết, trên địa bàn không có vùng nguyên liệu nào quy mô lớn nên việc làm dịch vụ cây giống, phân bón, thuốc BVTV không khả thi. Hiện xã có khoảng 1.000ha keo tràm nhưng các đầu nậu đã liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng, chăm sóc đến thu mua trong nhiều năm nay nên tổ không thể chen chân vào chỗ này.

Cám cảnh hơn, tổ KNCĐ xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên thành lập từ tháng 1/2023, kiện toàn lại bộ máy vào tháng 7/2024 nhưng đến nay vẫn chưa định hình được sẽ hoạt động như thế nào.

Ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho hay, toàn bộ thiết bị máy móc, phòng làm việc của tổ KNCĐ đang sử dụng chung với UBND xã. Nhân lực kiêm nhiệm trong khi chính sách hỗ trợ công tác không có dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.

Cần trợ lực

Qua khảo sát, về cơ bản các tổ KNCĐ đều tập trung kiến nghị hỗ trợ về mặt kinh phí để tổ duy hoạt động. Đặc biệt, ông Phạm Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng chuyển giao KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc mong muốn hệ thống chính trị các cấp quan tâm đúng mức đến tổ KNCĐ.

Tổ KNCĐ xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc là một trong những tổ hiếm hoi được đánh giá đang hoạt động hiệu quả. Ảnh: Thanh Nga.

Tổ KNCĐ xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc là một trong những tổ hiếm hoi được đánh giá đang hoạt động hiệu quả. Ảnh: Thanh Nga.

“Trước mắt Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần xây dựng quy định hoạt động cụ thể, giao cho Trung tâm ứng dụng cấp huyện tập huấn nâng cao chuyên môn khuyến nông cho thành viên các tổ có năng lực”, ông Xuân bày tỏ.

Về lâu dài, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất là phải làm cho chính quyền địa phương, người dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của tổ KNCĐ.

“Năm 2025, dự kiến chúng tôi sẽ chọn 2 – 3 tổ/huyện tập trung làm điểm. Tổ chức tập huấn chuyên sâu chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp cho thành viên các tổ. Nếu có nguồn lực xã hội hóa thì hỗ trợ thiết bị như máy tính, máy chiếu để nâng cao năng lực cho các tổ này, từ đó làm điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho các tổ khác”, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chia sẻ.

Việc lựa chọn tổ làm điểm sẽ thiên về các địa phương có vùng nguyên liệu lớn. Ví dụ: vùng lúa hữu cơ xã Khánh Vĩnh Yên; lúa, bò zebu xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc; làng nghề mộc xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ…

Đối với những địa phương không có nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu, hoạt động của tổ KNCĐ đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với những địa phương không có nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu, hoạt động của tổ KNCĐ đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Nga.

Ở tầm vĩ mô, kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban một số cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ công tác khuyến nông tại địa phương; xây dựng cơ chế hoạt động đảm bảo cho các Tổ KNCĐ có thể thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn kỹ thuật đặt hàng từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, HTX, tạo nguồn kinh phí cho tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả; ban hành văn bản hướng dẫn địa phương sử dụng các nguồn vốn chi cho hoạt động của Tổ KNCĐ.

Tham mưu sửa đổi Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông, trong đó bổ sung quy định về hệ thống khuyến nông địa phương và tổ KNCĐ. 

“Hoạt động của tổ KNCĐ ở các xã không có vùng nguyên liệu lớn thực sự rất khó khăn. Đề án tổ KNCĐ đang thí điểm nhưng lại đưa vào tiêu chí NTM luôn gây khó khăn cho các địa phương không có vùng nguyên liệu lớn”, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đánh giá.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất