| Hotline: 0983.970.780

Lực lượng kiểm ngư chưa đồng bộ, thiếu nhân lực

Thứ Hai 15/04/2024 , 14:47 (GMT+7)

Theo Cục Kiểm ngư, lực lượng kiểm ngư chưa đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương. Đồng thời, chưa có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển.

Xử phạt hơn 11.000 lượt tàu

Sáng 15/4 tại, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị “Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững”. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: '10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã hoàn thành tốt những chức năng, nhiệm vụ được giao'. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: "10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã hoàn thành tốt những chức năng, nhiệm vụ được giao". Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết, sau hơn 10 năm hoạt động, tổ chức bộ máy kiểm ngư ở Trung ương và các địa phương ven biển đã được hình thành, củng cố; đã có 24/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển hình thành tổ chức kiểm ngư.

Từ 2014 đến nay, lực lượng kiểm ngư thực hiện hơn 400 lượt tàu tuần tra; đã quan sát 65.000 lượt tàu (trong đó tàu cá nước ngoài là trên 1.000 lượt); số tàu đã kiểm tra hơn 10.000 lượt.

Từ năm 2014 - 2023, xử phạt hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11.000 lượt tàu; lập biên bản cảnh cáo và xua đuổi, phóng thích nhiều lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam…

Cũng theo ông Cường, riêng với công tác chống khai thác IUU, thời gian qua đã đạt nhiều kết quả cơ bản, tích cực. Các Đoàn thanh tra của EC ghi nhận việc chống khai thác IUU của Việt Nam đi đúng hướng.

Đã hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi Luật Thủy sản; ban hành các Nghị định, Thông tư về chống khai thác IUU, phát triển thủy sản bền vững; Chính phủ đã ban hành Nghị định 37 sửa đổi/bổ sung Nghị định 26 và Nghị định 38 thay thế Nghị định 42; đang sửa đổi quy định về quản lý tàu cá để đăng ký, quản lý đối với nhóm tàu cá “3 không”.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, khó khăn hiện nay của lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương là chính sách chưa đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, khó khăn hiện nay của lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương là chính sách chưa đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Hồng Thắm.

Về công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, thực hiện chủ trương giảm tàu cá và cường lực khai thác, không cho phép đóng mới, cải hoán tàu cá. Tính đến ngày 30/3/2023, tổng số tàu cá đã đăng ký là 68.946 chiếc; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn đối với khối tàu từ 15m trở lên đạt 96,4%; đánh dấu tàu cá đạt 96%; xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện…

Tổ chức thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, hiện đã thí điểm triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) từ tháng 1/2024: Đã cấp tài khoản cho 79.747 tàu cá, 147 cảng cá, 172 đồn biên phòng, 28 chi cục thủy sản và 89 nhà máy chế biến, doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Cường nhấn mạnh, về thực thi pháp luật, tập trung điều tra, xử lý hành vi khai thác IUU, đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, Kiên Giang đã đưa ra truy tố, xét xử 1 vụ án, đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tạo sự răn đe, giáo dục rất nghiêm trong cộng đồng ngư dân.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay xử phạt trên 90 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm khai thác IUU. 

Mục tiêu lâu dài là ngành thủy sản xanh

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thời gian qua, lực lượng kiểm ngư vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương. Chưa có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển nên số lượng người còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ và hoạt động của đội tàu kiểm ngư, đặc biệt đối với kiểm ngư địa phương…

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ thêm, một trong những khó khăn hiện nay của lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương là tuy hoạt động, tuần tra ngày đêm trên biển, trong điều kiện sóng, gió rất khó khăn, vất vả, nhưng chế độ, chính sách còn hạn chế, chưa đảm bảo cuộc sống.

Do vậy, ông Hùng đề xuất Chính phủ quan tâm, có chế độ, chính sách phù hợp để cán bộ lực lượng kiểm ngư yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 10 năm qua, kể từ ngày công bố ra mắt lực lượng kiểm ngư đến nay, trước đây thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư đã có sự cố gắng rất lớn, thể hiện ở bộ máy, đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Khi tách ra là đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT đã hoạt động được ngay, cũng bộ máy ấy nhưng địa vị pháp lý khác, Cục Kiểm ngư đã hoạt động tương đối chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: 'Kiểm ngư có vai trò rất quan trọng, cùng với các lực lượng khác như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng… đã tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư dân khai thác'. Ảnh: HT.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: "Kiểm ngư có vai trò rất quan trọng, cùng với các lực lượng khác như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng… đã tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư dân khai thác". Ảnh: HT.

“Kiểm ngư có vai trò rất quan trọng, cùng với các lực lượng khác như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng… đã tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn cho bà con ngư dân khai thác, đảm bảo sản lượng khai thác thủy sản năm nào cũng đạt 46-48% tổng sản lượng thủy sản, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hơn nữa, kiểm ngư cùng các lực lượng khác cũng đã góp phần quan trọng trọng việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho hay, từ ngày 23/10/2017, EC đã đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" về chống khai thác IUU với Việt Nam. Gần 7 năm rồi nhưng chúng ta vẫn chưa gỡ được, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và vị thế quốc tế của Việt Nam.

“Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới. Thủy sản Việt Nam hiện có mặt trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để hội nhập sâu rộng, thực hiện cũng như phát huy các hiệp ước thương mại mới, chúng ta cần phải gỡ thẻ vàng”, Thứ trưởng khẳng định.

Theo đó, Thứ trưởng chỉ đạo, nhiệm vụ thời gian tới của Cục Kiểm ngư là cần tích cực và cố gắng hơn nữa trong công tác tháo gỡ “thẻ vàng” IUU; sớm hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện hệ thống kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương; tập trung vào công tác bảo tồn, cả trên biển và cả nội đồng; tham gia Hiệp định về đàn di cư, Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng…

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng, trước đây phối hợp đã tốt rồi, tới đây cần phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu lực hơn, hiệu quả hơn, đi vào thực chất hơn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: “10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã hoàn thành tốt những chức năng, nhiệm vụ được giao. Phía trước có rất nhiều vấn đề đặt ra. Trước mắt là tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, còn lâu dài là phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đi theo xu hướng giảm phát thải, xanh hóa, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ”.

Xem thêm
Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.