| Hotline: 0983.970.780

Lúng túng quản lý nuôi chim yến

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:36 (GMT+7)

Nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển quá nhanh gây ô nhiễm môi trường, quy định không theo kịp tốc độ phát triển, lúng túng trong quản lý...

Hội thảo thu hút khá đông đại biểu tham dự, trình bày tham luận cũng như nêu những định hướng về việc phát triển nghề nuôi chim yến.

Đó là những nội dung được đưa bàn thảo tại hội thảo khoa học “Định hướng và giải pháp phát triển biền vững nghề nuôi chim yến tại tỉnh Kiên Giang”, Sở KH-CN Kiên Giang tổ chức ngày 28/11, tại TP Rạch Giá.

Phát triển quá nóng

Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Xuân Niệm, PGĐ Sở KH-CN Kiên Giang cho biết, thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của tỉnh là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên như môi trường phù hợp, thức ăn đa dạng và phong phú, có thường xuyên, chủ yếu là côn trùng bay như rầy nâu, rầy xanh, mối, côn trùng… Phân tích trong ống tiêu hóa của chim yến, chủ yếu là là những loài côn trùng ở hệ sinh thái nông nghiệp. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông.

 Tuy nhiên, việc dẫn dụ nuôi chim yến đã gây ra ô nhiễm tiếng ồn xung quanh, cũng như các vấn đề liên quan khác bất lợi từ nuôi chim yến nhà. Vì vậy, cần khai thác tốt nhất đạt hiệu quả kinh tế, xã hội nhưng không bỏ quên hiệu quả môi trường.

Kiên Giang hiện có hơn 2 ngàn nhà nuôi chim yến, trong đó TP Rạch Giá là địa phương có nhà nuôi yến nhiều nhất.

Ông Lâm Văn Kiệt, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang cho biết, nghề nuôi chim yến đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện đang phát triển rất mạnh tại Kiên Giang. Từ năm 2007 - 2013, toàn tỉnh chỉ có 270 hộ nuôi chim yến, tổng diện tích 48 ngàn m2. Từ năm 2014 bắt đầu phát triển mạnh, đến nay đã có 2.245 nhà dẫn dụ nuôi chm yến. Trong đó có 1.125 nhà kiên cố, còn lại là nhà ở được cải tạo nâng tầng để chim yến. Thành phố Rạch Giá là địa phương có nhà nuôi chim yến nhiều nhất, với 672 nhà hiện có.

Theo ông Kiệt, tỷ lệ dẫn dụ, gây nuôi chim yến thành công không cao. Tuy nhiên, nếu thành công thì  100 m2 nhà nuôi chim yến mỗi tháng thu về từ 1-2 kg tổ yến. Hiện nay ước tính trung bình mỗi tháng Kiên Giang thu được khoảng 1.000 kg tổ yến (trị giá khoảng 20 tỷ đồng). Lợi nhuận cao, chỉ đầu tư một lần, không tốn nhiều chi phí chăm sóc nên nhiều người mạnh dạn đầu tư xây nhà nuôi yến.

Nhiều người đầu tư hàng tỷ đồng xây cả ngôi nhà cao tầng hoặc tận dụng tầng thượng để nuôi chim yến. Không ít nhà nghỉ, khách sạn cũng tranh thủ xây chuồng nuôi chim yến ngay phía trên phòng lưu trú.

Môi trường thuận lợi nên đàn chim yến phát triển khá nhanh tại tỉnh Kiên Giang

PGS.TS Phạm Công Hoạt, Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN cho biết, chất lượng tổ yến của Việt Nam tốt nhưng sản lượng chỉ bằng khoảng 10% so với các nước trong khu vực (Indonesia, Malaysia, Thái Lan). Hiện sản xuất yến của Việt Nam đang trên đường phát triển, hoạt động chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học trong ngành nuôi yến đang là nhu cầu cấp bách hiện nay. Ngoài ra, đầu tư chế biến sâu hơn nữa các sản phẩm từ yến đòi hỏi khoa học công nghệ hiện đại. Đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm yến sào Việt Nam.

Lúng túng trong quản lý

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, chim yến không phải gia cầm, thủy cầm mà đây là loài chim trời, không phải đối tượng chăn nuôi thông thường. Chúng ta dẫn dụ, nhân nuôi, di đàn nhưng vẫn nuôi chúng theo tập tính tự nhiên của nó. Vì vậy, không thể quản lý chim yến như quản lý vật nuôi thông thường khác.

Chim yến đảo và yến sống trong nhà là 2 phân loài khác nhau, có một số đặc điểm sinh học khác nhau. Đặc điểm chim yến là vừa bay vừa bắt mồi, chúng ta không thể cho ăn thức ăn nhân tạo được.

Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng, nhưng có nhiều địa hình sinh thái, lại nằm trong khu vực vịnh Thái Lan, thuận lợi cho phát triển nghề nuôi chim yến. Những năm gần đây, nhà nuôi chim yến ở Kiên Giang phát triển quá nhanh, sẽ gây lúng túng cho công tác quản lý, thiếu mồi tự nhiên khi bày đàn tăng quá đông.

Dù đã có quy định cấm xây nhà nuôi yến trong khu đô thị nhưng nhiều nhà yến vẫn mọc lên ngay giữa trung tâm TP Rạch Giá, khiến cơ quan chuyên môn lúng túng trong quản lý.

Nuôi chim yến không chỉ đơn thuần là xây nhà, yến đến ở và có tiền. Mà cần phải có kỹ thuật, khoa học, am hiểu tập tính của chúng. Maylaysia có rất nhiều nhà yến, trong đó có 30% là không thành công, đây là bài học cho những nước phát triển sau như Việt Nam.

TS. Võ Tấn Phong, Ban Quản lý và Khai thác yến sào Cù Lao Chàm nêu ra  3 vấn đề cần quan tâm khi phát triển nuôi yến trong nhà. Một kỹ thuật làm nhà. Hai là âm thanh dẫn dụ, cần phải có giám sát, quản lý về âm lượng và thời gian phát. Ba là thanh làm tổ (gỗ hoặc thanh đá chẻ) vì ảnh hưởng đến đến chất lượng, giá trị tổ khi bán. Trong đó thanh đá lâu có tổ nhưng tổ đẹp hơn, chất lượng hơn.

“Đã cấm làm nhà nuôi chim yến trong khu đô thị thì cấm luôn việc phát âm thanh dẫn dụ để dễ quản lý. Chỉ cần nghe phát âm thanh là biết khu vực đó có nhà nuôi chim yến. Hơn nữa, âm thanh dẫn dụ chỉ cần phát ban đầu, khi chim đã vào ở ổn định rồi thì không có âm thanh chim vẫn về”, TS Phong đề xuất.

Ông Lâm Văn Kiệt, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang cho biết, trước việc phát triển quá nhanh về số lượng nhà nuôi chim yến, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa ban hành được quy định về cấp giấy phép xây dựng nhà nuôi chim yến vì chưa có luật nào quy định.

Do đó, không có cơ sở để hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến. Công tác quản lý âm thanh dẫn dụ nhà nuôi chim yến còn gặp nhiều khó khăn. Chủ cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến không thường xuyên có mặt tại nơi nuôi nên việc tuyên truyền, cũng như thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh rất hạn chế.

“Kết quả nghiên cứu cho thấy, một cặp chim yến nhà một năm có thể tạo ra giá trị 600 ngàn đồng, còn yến đảo là 2 triệu đồng. Với vòng đời của chim yến là 10 năm, như vậy tương ứng với giá trị là 6 triệu và 20 triệu đồng/cặp chim. Trong khi đó, việc săn bắt chim yến để bán cho quán nhậu hoặc phóng sinh, làm chim bị yếu và chết phải được xem là hành vi phá hoại, cần phải lên án và xử lý”, ThS Lương Công Bình, Cty Yến sào Khánh Hòa.

 

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.