| Hotline: 0983.970.780

Lý do Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu phân bón

Thứ Hai 02/08/2021 , 09:50 (GMT+7)

Chính sách tạm dừng xuất khẩu phân bón được cơ quan quản lý đưa ra vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung phục vụ sản xuất và nạn đầu cơ nhằm đẩy giá tăng cao.

Tháng 7 vừa qua được coi là đỉnh điểm của nhu cầu tiêu thụ các loại phân bón tại Trung Quốc. Ảnh: GlobalTimes

Tháng 7 vừa qua được coi là đỉnh điểm của nhu cầu tiêu thụ các loại phân bón tại Trung Quốc. Ảnh: GlobalTimes

Thứ Sáu tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã triệu tập khẩn lãnh đạo các công ty sản xuất phân bón trong nước và được yêu cầu tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu nội địa.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá các loại phân bón trong nước và thế giới đều tăng cao. Hiện giá urê giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) đã tăng hơn 30% so với hồi đầu năm và đạt mức cao kỷ lục 2.616 nhân dân tệ (405,19 USD)/tấn vào thứ Năm (29/7/2021) trước khi giảm 2,7% vào thứ Sáu (30/7). Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, giá phân urê giao ngay hiện ở mức 2.814 nhân dân tệ/tấn, so với mức 2.674 nhân dân tệ/tấn trong tháng 6.

Trước đó, vào trung tuần tháng 6, NDRC và Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế thị trường Trung Quốc đã tiến hành một cuộc nghiên cứu thực địa tại tỉnh Hà Nam (miền Trung Trung Quốc) và tỉnh Hà Bắc (miền Bắc Trung Quốc) để tổng hợp, đánh giá số liệu cụ thể về nguồn cung cũng như nhu cầu urê, giá cả thị trường, hoạt động kinh doanh và xuất khẩu phân bón.

Sau khi đi thực địa tại Sở Giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, một số nhà máy sản xuất urê và các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp lớn tại đây, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhà nước cho biết, sẽ sớm có biện pháp chấn chỉnh và kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các hoạt động tích trữ và làm giá để bảo vệ trật tự thị trường và duy trì ổn định giá phân bón. Động thái này được giới phân tích coi là biện pháp nhằm hạ nhiệt giá vật tư nông nghiệp tăng cao gây sức ép cho nông dân, trước khi nhu cầu urê và các loại phân bón khác đạt đỉnh vào tháng 7.

Công nhân đóng gói phân urê tại một nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô. Ảnh: THX

Công nhân đóng gói phân urê tại một nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô. Ảnh: THX

Ông Li Guoxiang, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay, sản lượng của Ấn Độ- một nhà sản xuất urê lớn đã sụt giảm đáng kể do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu loại phân bón này trên toàn cầu đổ dồn vào Trung Quốc. Tuy nhiên theo ông Li, sự tăng giá phân bón ở Trung Quốc chỉ là một vấn đề ngắn hạn bởi năng lực sản xuất phân bón của nước này vẫn ổn định và nhu cầu sẽ giảm khi hoạt động sản xuất vụ thu kết thúc.

Được biết, vào thời điểm đó (ngày 28/6) giá phân urê trung bình tại Trung Quốc đã tăng khoảng 56% so với hồi đầu năm, lên mức 2.800 nhân dân tệ (433,73 USD)/tấn, điều này đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất.

Sau cuộc kiểm tra đột xuất của giới chức, một tuần sau đó các hợp đồng giao dịch phân urê trên thị trường hàng hóa Trịnh Châu đã có biến chuyển tích cực, bằng việc giá urê giảm 3,06% xuống còn 2.247 nhân dân tệ/tấn vào ngày 5/7.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, giá than tăng cao cộng với đợt cao điểm hoạt động bảo dưỡng, duy tu tại các nhà máy sản xuất urê trong nước đã đẩy giá phân bón lên cao. Ngoài ra áp lực và kỳ vọng nhằm tăng năng suất ngũ cốc cao hơn của nông dân Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đến thị trường phân bón.

Số liệu chính thức từ hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 3,67 triệu tấn phân bón các loại trong tháng 5, mức cao nhất trong vòng hai năm qua.

Ngày 17/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cùng các cơ quan liên quan đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường cung ứng phân bón để bảo vệ sản xuất cây lương thực vụ hè. "Kể từ khi xuống giống vụ xuân, nhiều yếu tố bao gồm nguồn cung nguyên liệu thô thiếu hụt và giá các loại vật tư đầu vào sản xuất tăng cao đã đẩy giá phân bón ở Trung Quốc lên khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong lịch sử", văn bản dẫn.

Một kho tập kết phân bón của nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Alamy Stock

Một kho tập kết phân bón của nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Alamy Stock

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đồng thời yêu cầu các bộ phận liên quan tăng cường giám sát, cảnh báo sớm và điều chỉnh hoạt động cung cấp phân bón trong mùa hè để đảm bảo cho nông dân chủ động sản xuất.

Đến ngày 18/6, chính phủ  Trung Quốc cho biết, chính quyền trung ương sẽ phân bổ 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,1 tỷ USD) để trợ cấp cho nông dân trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Tại cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì này, chính phủ cũng quyết định ban hành chính sách bảo hiểm ngũ cốc, cụ thể là lúa mì và ngô tại 500 huyện sản xuất lớn của 13 địa phương trọng điểm nông nghiệp. 

(Global Times; RT)

Xem thêm
Phân bón Đầu Trâu cải thiện chất lượng đất trồng cà phê vùng Tây Nguyên

Phân bón Bình Điền xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên để sản xuất cà phê bền vững, giảm giá thành, tăng thu nhập nhà nông.

Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?