| Hotline: 0983.970.780

Lý giải nguyên nhân tăng giá phân bón chưa thuyết phục

Thứ Tư 11/08/2021 , 17:25 (GMT+7)

Nhiều ý kiến các địa phương cho rằng, việc lý giải về nguyên nhân giá phân bón tăng phi mã thời gian qua là chưa thuyết phục.

Ngày 11/8, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm bàn các giải pháp bình ổn giá phân bón. Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng tới 44,7% 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, hiện nguồn cung phân bón trong nước đang cao hơn nhu cầu tiêu thụ. Cục trưởng BVTV Hoàng Trung cũng đồng ý với nhận định này vì diện tích sản xuất nông nghiệp năm nay giảm so với năm 2020. 

Báo cáo cho thấy, nguồn cung phân bón trong nước vẫn đang vượt cầu, song giá vẫn tăng rất cao thời gian qua. Ảnh: TL.

Báo cáo cho thấy, nguồn cung phân bón trong nước vẫn đang vượt cầu, song giá vẫn tăng rất cao thời gian qua. Ảnh: TL.

Báo cáo tại hội nghị cho biết 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng phân bón vô cơ nước ta đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, lượng phân bón nhập khẩu đến hết tháng 6/2021 đạt 2,31 triệu tấn, tăng gần 15%, trong khi lượng phân bón xuất khẩu cũng tăng tới 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước hiện nay chỉ vào khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước là gần 30 triệu tấn, và chỉ sản xuất vào khoảng 14 - 15 triệu tấn/năm, phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của thị trường.

Qua đó cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù lượng xuất khẩu tăng nhưng tổng nguồn cung phân bón cho sản xuất trong nước vẫn được đảm bảo, dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ.

“Vì nguồn cung được đảm bảo, hiện nay không có nơi nào sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn do thiếu phân bón”, Cục trưởng BVTV Hoàng Trung khẳng định.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, trong điều kiện hiện nay, giá phân bón tăng cao mà giá nông sản giảm ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất, đầu tư của bà con. Do đó, kiến nghị các cơ quan có chính sách phù hợp để bình ổn giá phân bón.

Theo ông Nghiêm, tại Cần Thơ, giá phân bón đã tăng từ 15 - 45% (tùy loại) tính từ đầu vụ đông xuân 2020 - 2021 đến nay. “Sở NN-PTNT Cần Thơ kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát chuỗi cung ứng phân bón, xác định các điểm đứt nghẽn, tác nhân khiến giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua”, ông Trần Thái Nghiêm nói.

6 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu phân bón chỉ tăng 15%, trong khi xuất khẩu tăng tới 44,7%. Ảnh. LHV.

6 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu phân bón chỉ tăng 15%, trong khi xuất khẩu tăng tới 44,7%. Ảnh. LHV.

Trong khi đó, đại diện Sở NN-PTNT An Giang cho rằng, những luận giải gần đây về nguyên nhân giá phân bón tăng cao quá nhanh thời gian qua là không thuyết phục: Ví dụ giá Ure lên tới hơn 11.000 đồng/kg nhưng chưa đủ cơ sở giải thích vì sao giá tăng như vậy. Vì thế, mong muốn cần làm rõ cơ sở tăng giá. An Giang chưa có hiện tượng đầu cơ và thiếu nguồn cung ứng, nhưng vấn đề giá tăng thì chưa lý giải được vì sao.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc giá phân bón tăng mặc dù thực tế cầu vẫn thấp hơn cung. Trong đó, nguyên nhân chính được các đại biểu cho là giá nguyên liệu đầu vào phân bón tăng mạnh. Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho biết, các loại nguyên liệu như Lưu huỳnh, NH3, H2SO4 đều tăng trên 100%.

Bổ sung nguyên nhân giá phân bón tăng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Bùi Thế Chuyên cho biết, ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng, các doanh nghiệp đang phát sinh chi phí để đối phó dịch Covid-19 như chi thêm để sản xuất "3 tại chỗ".

“Có thể loại trừ yếu tố giá tăng do thiếu nguồn cung, không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ để tăng giá.

Nguyên nhân ngắn hạn khiến giá phân bón tăng một phần do các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 gây ra thiếu hụt nguồn cung cục bộ, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL".

(Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh)

Không để xảy ra găm hàng

Chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của khu vực ĐBSCL. Ngoài khó khăn trong lưu thông, bà con còn gặp khó khăn do đầu vào sản xuất, trong đó có phân bón.

Giá nhiều loại vật tư, đặc biệt là phân bón tăng rất cao thời gian qua khiến nông dân càng nản lòng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: LHV.

Giá nhiều loại vật tư, đặc biệt là phân bón tăng rất cao thời gian qua khiến nông dân càng nản lòng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: LHV.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý: Hiện nay, ngoài việc cung cấp phân bón cho cây dài ngày, phải chuẩn bị cho các cây ngắn ngày, cụ thể là chuẩn bị cho các vụ lúa mùa miền Bắc và vụ thu đông của ĐBSCL, sau đó là vụ đông xuân - vụ quan trọng nhất trong năm với diện tích gieo trông xấp xỉ 3 triệu ha trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần hợp lý hóa các chi phí: “Mục tiêu lúc nào phân bón Việt Nam cũng phải bán giá thấp hơn phân bón thế giới và sẽ không xuất khẩu, tập trung ưu tiên cho phân bón trong nước”, ông Khánh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Trần Quốc Khánh cũng thống nhất quan điểm sẽ có kiến nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu đưa ra phương án thuế hợp lý, tránh mất cân bằng giữa phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cũng thống nhất về một số giải pháp trước mắt như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển để không xảy ra thiếu hụt nguồn cung cục bộ, đặc biệt là trong các vụ sản xuất sắp tới.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá và chống hàng nhái, hàng giả.

Xem thêm
Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?