| Hotline: 0983.970.780

Kìm giá phân bón

Thứ Ba 10/08/2021 , 17:31 (GMT+7)

Giá nhiều loại vật tư, đặc biệt là phân bón vùn vụt tăng cao thời gian qua như giáng thêm một đòn vào khó khăn của nông dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ngăn chặn đầu cơ, trục lợi

Ngày 9/8, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Tổ công tác 970 của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT: Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp phải vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng phải duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.

Cục BVTV khẳng định nguồn cung phân bón dồi dào, đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất từ nay đến cuối năm, tuy nhiên thực tế giá nhiều loại phân bón lại tăng vọt thời gian qua. Ảnh: LHV.

Cục BVTV khẳng định nguồn cung phân bón dồi dào, đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất từ nay đến cuối năm, tuy nhiên thực tế giá nhiều loại phân bón lại tăng vọt thời gian qua. Ảnh: LHV.

Nếu để dứt gãy các chuỗi sản xuất này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lương thực và thực phẩm của người dân nông thôn và thành phố, nông dân lao động và sản xuất tại các địa phương, hệ thống thu mua, chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Hơn thế nữa, sẽ ảnh hưởng tới việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và an ninh lương thực quốc gia về lâu dài.

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, cần có các giải pháp phù hợp trong kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới.

Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, cần có một chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản cho sản xuất thời gian tới.

Theo đánh giá của Cục BVTV, nguồn cung phân bón dồi dào và thuốc BVTV đủ cung ứng cho sản xuất vụ hè thu còn lại và thu đông - vụ mùa 2021.

Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu tăng từ 50-73%, làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng hay việc đầu cơ tích trữ và tăng giá kiếm lời.

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương và Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, rà soát sản xuất, kinh doanh phân bón, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời. Ảnh: TL.

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương và Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, rà soát sản xuất, kinh doanh phân bón, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời. Ảnh: TL.

Nhằm góp phần vào công tác bình ổn giá vật tư nông nghiệp, phòng, chống sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng và đặc biệt là phân bón giả, Tổ 970 Bộ NN-PTNT đề nghị Tổ công tác 970 Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam một số công việc cấp bách, cụ thể:

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.

Lập kế hoạch phối hợp với Thanh tra Cục BVTV và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của nhà nước... 

Theo Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, vật tư phục vụ trồng trọt, giá phân bón trong nước và thế giới đã liên tục tăng, cụ thể: Giá phân bón sản xuất trong nước (Phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đ/kg lên 11.700 đ/kg (tăng 72%); Phân DAP Đình Vũ từ mức 8,550 đ/kg lên 14.300 đ/kg (tăng 67,3%); Phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8-13S từ mức 8.860 đ/kg lên 10.760 đ/kg (tăng 24,3%).

Giá Phân bón nhập khẩu: Phân SA bột của Trung Quốc từ mức 3.270 đ/kg lên 5.250 đ/kg (tăng 60,6%); Phân DAP 64% nhập khẩu TQ từ 11.200 đ/kg lên 16.800 đ/kg (tăng 50%); Phân Kali kali miểng Israel từ 6.650 đ/kg lên 11.500 đ/kg (tăng 72,9%)...

Sẽ báo cáo Thủ tướng

Trước tình hình thị trường phân bón tăng vọt thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, Cục Hóa chất và Cục BVTV đã làm việc với các doanh nghiệp chiếm tỉ trọng cung ứng phân bón lớn trên thị trường để nắm tình hình cung cầu thị trường, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, làm cơ sở báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp bình ổn thị trường phân bón.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón bằng quy định phù hợp nhằm góp phần 'hạ nhiệt' phân bón trong nước. Ảnh: TL.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón bằng quy định phù hợp nhằm góp phần "hạ nhiệt" phân bón trong nước. Ảnh: TL.

Về một số ý kiến đề xuất phương án tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón, ông Thanh cho hay, Việt Nam đang là thành viên WTO, mọi hành vi can thiệp thị trường liên quan dừng, hạn chế xuất khẩu đều bị vi phạm WTO.

Do đó, với một số mặt hàng phân bón trong nước đang thiếu, cần hạn chế xuất khẩu, chỉ thực hiện bằng biện pháp gián tiếp chứ không thể trực tiếp áp dụng. Trước khi thực hiện áp dụng biện pháp, cũng phải xin ý kiến Thủ tướng.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết hôm nay (11/8), liên bộ Công thương và Bộ NN-PTNT sẽ họp bàn thống nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp bình ổn thị trường phân bón.

Trong khi đó theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, những phiên giao dịch gần đây, giá các mặt hàng phân bón trên thị trường thế giới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cụ thể, giá ure giảm 10 - 15 USD/tấn, hiện còn 425 - 430 USD/tấn; đạm SA giảm 9 - 10 USD/tấn, từ 222 - 225 USD nay còn 213 - 215 USD/tấn. Riêng mặt hàng Kali giá giữ ổn định xung quanh 450 USD/tấn.

Trong nước, từ đầu tháng 8, các doanh nghiệp sản xuất urê lớn trong nước là Đạm Phú Mỹ và Đạm Hà Bắc bắt đầu xuất hiện lượng hàng tồn kho và giá bán cũng bắt đầu chững lại.

Cũng trong ngày 9/8, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Nam Bộ về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, Tổ công tác 970 đề nghị 2 vấn đề chính.

Một là UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở NN-PTNT phối hợp các sở, ban, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND các huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn.

Hai là việc kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tổ công tác 970 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Cục Quản lý thị trường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.

Xem thêm
Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Các mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi cần được hưởng mức thuế chung 1%

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất, kiến nghị áp dụng thuế suất chung 1% với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bình luận mới nhất