| Hotline: 0983.970.780

Ma trận giống cây trồng Tây Nguyên: 'Loạn' giống thương hiệu Ea Kmat

Thứ Hai 04/07/2016 , 14:19 (GMT+7)

Do nhu cầu ngày một lớn đã bùng nổ nhiều cơ sở, DN kinh doanh giống cây trồng ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên thị trường bát nháo, nông dân thường xuyên mua phải giống kém chất lượng, thiệt hại nặng nề.

Từ lâu, thương hiệu giống cây trồng Ea Kmat do Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên SX nức tiếng khắp vùng bởi chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp, được người dân tin chuộng. Tuy nhiên, thương hiệu này ngày càng bị làm nhái trắng trợn vì ngành chức năng địa phương buông lỏng quản lý.

Nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng, đang như đứng trước ma trận cây giống, thật giả lẫn lộn…

Nông dân chịu thiệt

Tây Nguyên mùa mưa, cũng là thời điểm bà con bắt tay trồng mới các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu, bơ, mít... Vấn đề làm cho người dân luôn lo ngại là chất lượng cây giống trên thị trường rất khó nhận biết để chọn mua.

15-35-35_dscn3154
SX, KD giống cây trồng tại Đăk Lăk quá lộn xộn

 

Như nhiều gia đình khác, năm nay, hộ ông Y Huân Byă ở buôn Hằng A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc (Đăk Lăk), lên kế hoạch xuống giống 2 ha sầu riêng DONA. Ban đầu ông loay hoay không biết tìm mua cây giống ở đâu để vừa bảo đảm chất lượng, giá phù hợp. Rồi ông quyết định đến đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, xung quanh Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (dân quen gọi Viện Ea Kmat - PV), nơi tập trung nhiều cơ sở bán cây giống, tìm hiểu.

“Nghe bà con trong xã giới thiệu giống cây trồng Ea Kmat tốt lắm, nên tôi đánh xe cày lên TP Buôn Ma Thuột để mua. Vừa đến gần khu vực Viện Ea Kmat thì được mấy người mời gọi đến vườn ươm của họ. Họ nói giống được lấy trong Viện ra bán, cứ yên tâm mang về trồng. Vì vậy tôi đã mua 1.000 cây giống với giá 55.000 đồng/cây.

Tưởng mua được hàng thật, về khoe với bà con trong buôn mới biết mình bị lừa. Đánh xe cày chở cây giống lên trả lại thì bị chủ cửa hàng xua đuổi, không chấp nhận trả hàng. Lỡ bỏ ra số tiền lớn mua cây nên tôi đành mang về trồng. Không biết sau này cây có ra quả hay không nữa”, ông Y Huân Byă than vãn.

13-15-24_2
Nông dân đứng trước "ma trận" giống cây trồng

 

Còn trường hợp của anh Nguyễn Hữu Phước ở thôn 2, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, Đăk Lăk) lại đang phải chịu hậu quả nhãn tiền từ việc mua cây giống kém chất lượng.

Anh cho biết, cách đây 3 năm, anh cũng lên Buôn Ma Thuột mua cây giống bơ Booth-7 tại một cửa hàng giới thiệu là bán cây giống Ea Kmat ở đường Nguyễn Lương Bằng về trồng. Mặc dù anh đầu tư phân bón, thuốc BVTV và công chăm sóc rất kỹ, nhưng kết quả nhận lại là đến nay vườn bơ nhà anh vẫn chậm phát triển, cây chưa cho trái.

15-35-35_cy-giong
Người dân chọn mua cây giống

 

Các loại giống cây trồng trôi nổi không ai dám bảo đảm chất lượng. Thông thường, mỗi ha sầu riêng, bơ, cà phê… từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 năm, người trồng phải đầu tư 100-150 triệu đồng. Nếu mua phải giống kém chất lượng thì ít nhất 5 năm sau mới xác định được kết quả và lúc đó thiệt hại sẽ rất lớn.

“Nếu bơ ghép thông thường xuống giống 2 năm sẽ bắt đầu cho trái, năm 3 là quả ra đều và bước vào thời điểm kinh doanh. Nhưng đến nay thì vẫn chưa ra trái, tôi nghi ngờ rằng trước đây mình mua nhầm cây giống thực sinh với mắt ghép giả. Nghĩa là nhà vườn chỉ quấn dây nilon ở thân cây chứ không có mắt ghép, dẫn đến việc cây chậm lớn, chậm ra quả. Ước thiệt hại từ 6 sào bơ của gia đình tôi đến nay khoảng 500 triệu đồng”, anh Phước than thở.

Như ma trận

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Đăk Lăk, toàn tỉnh có tới gần 200 cơ sở cung cấp cây giống, nhiều nhất tại địa bàn xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (khu vực đóng chân của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) với gần 100 cơ sở (chưa kể các cửa hàng bán lẻ). Tiếp đến là các địa bàn lân cận như huyện Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin, Buôn Đôn…

Tuy nhiên, đơn vị cung cấp cây giống có uy tín, được các cơ quan chức năng công nhận quá ít: Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Cty TNHH Một thành viên Dak Farm và Cty Mười Bơ Tây Nguyên...

TS Trần Vinh, Phó Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, dọc theo đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, và xung quanh Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, rất nhiều cơ sở bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc, nhiều cơ sở còn mạo danh địa chỉ của Viện để lừa khách hàng. Hiện tượng này diễn ra thường xuyên nhưng chưa dẹp được.

13-15-24_1
Tây Nguyên đang mùa mưa nên nông dân đổ xô mua giống về trồng

 

Các sở, ban, ngành của tỉnh và TP thỉnh thoảng có đi kiểm tra để xử lý nhưng việc buôn bán cây giống không rõ nguồn gốc vẫn cứ tiếp diễn. Qua đó cho thấy việc chấp hành pháp lệnh và các thông tư của Nhà nước về giống cây trồng chưa nghiêm, xử lý vụ việc chưa mạnh.

Vậy có hay không các sơ sở có lấy giống từ Viện bán ra? TS Vinh cho biết, việc mua bán giống cây trồng cũng có một số cơ sở sản xuất giống bên ngoài tới mua cây giống của Cty Eakmat (thuộc Viện KHKT NLN Tây Nguyên), tuy nhiên chủ yếu để lấy hóa đơn chứng từ nhằm thuyết phục người mua hoặc để trình với các đoàn kiểm tra.

Thực tế số lượng cây giống mà các cơ sở này mua tại Công ty Eakmat không nhiều, trong khi đó họ bán ra bên ngoài với số lượng rất lớn (gấp hàng trăm lần). Phần lớn các cơ sở bán giống mua lại cây giống của bà con sản xuất tại xã Hòa Thắng và một số ít tự sản xuất được nhưng nguồn gốc giống thì không rõ ràng.

15-35-35_dscn3156
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Đăk Lăk, toàn tỉnh có tới gần 200 cơ sở cung cấp cây giống

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.