| Hotline: 0983.970.780

Mắm ba khía níu lòng người xa xứ

Chủ Nhật 22/02/2015 , 06:20 (GMT+7)

Ngày còn nhỏ, mỗi khi nhớ nhà, tôi thường nghe cha thở dài, than một câu với các bạn của mình: Ước gì mình được về nhà, ăn chén cơm nguội với mắm ba khía rồi chết cũng thỏa mãn!

Cha tôi là người miền Nam tham gia bộ đội tập kết ra Bắc. Không chỉ ba tôi, các bạn ông cũng vậy, mỗi khi tụ họp, nhắc chuyện quê là thể nào cũng đề cập đến ba khía, mà hễ nhắc đến mắm ba khía là ai nấy nuốt nước miếng ừng ực.

Mà kể đến chuyện đi bắt ba khía, ba tôi và các bạn ông trở nên hào hứng đặc biệt. Ba tôi nói, ba khía là loài cua sống ở vùng nước mặn, đặc biệt thích ở vùng có đước, mắm, bần… Vì trên mai có 3 gạch sậm màu nên gọi là ba khía.

Mỗi năm ba khía có một mùa hội vào rằm tháng 10. Những ngày này ba khía kéo bầy tràn lên cả gốc đước, gốc bần, góc mắm… để cặp đôi.

Từng đoàn ghe, xuồng chèo dọc bờ sông, rạch. Người trên ghe quấn vải kín 2 cánh tay, 2 cẳng chân để tránh bị ba khía kẹp, cứ vậy mà hốt ba khía lên xuồng. Đầy xuồng thì chở về, đổ khạp làm mắm. Nông dân đi làm đồng chỉ cần vài con mắm ba khía là quất bay cả nồi cơm.

Ấn tượng món mắm ba khía khiến sau ngày giải phóng, một trong những món ăn quê hương mà tôi đi tìm ngay lập tức, mắm ba khía.

Nhìn con ba khía nâu sậm, rục rã với các chất thịt sền sệt bám quanh, tôi xé ra, cho vào bát cơm, chắc mẩm ngon lắm đây. Mùi mắm hăng nồng và vị mặn chát khiến tôi ngỡ ngàng, không thể hiểu làm sao lại được cha mình và các bác các chú mê mẩn đến vậy.

Nghe tôi càm ràm, cô Ba tôi cầm miếng mắm lên coi rồi cười: “Mắm ba khía cũng như các món ăn khác, muốn ngon cũng phải biết chế biến. Tỏi ớt giã nhỏ cùng với đường, chanh vừa phải trộn thấm đều miếng ba khía xé nhỏ, gần ăn cho thêm chút rau răm nữa. Sang thì trộn thêm chút xoài tượng bằm hoặc thơm xắt miếng nhỏ. Miếng cơm miếng mắm, lúc đó mới hiểu câu ca dao:

“Tháng Bảy nước chảy Cà Mau

Tháng 10 ba khía hội, kéo nhau đi làm

U Minh, Rạch Gốc, Rừng Tràm

Muỗi kêu mặc muỗi, tao ham ba khía rồi..."

Mê ba khía, mỗi lần đến các vùng ven biển tôi luôn tìm ngư dân để hỏi về nghề đánh bắt ba khía. Ba khía chỉ ngon ở những vùng biển có đước, có bần như Cần Giờ, Cần Giuộc, Bạc Liêu, Cà Mau… Thương hiệu nổi tiếng đều lấy theo vùng SX: mắm ba khía Bạc Liêu, ba khía Châu Ðốc, ba khía Rạch Gốc, ba khía Năm Căn, Cà Mau...

Anh Nguyễn Văn Hạnh đêm đi bắt ba khía, ban ngày phụ việc cho nhà hàng khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu, vừa đảo tay làm ba khía tươi đãi khách, vừa nói: Ba khía tươi làm gì cũng ngon. Từ chiên giòn, rang me đến xào tỏi. Khi thành mắm thịt ba khía quánh sệt, thơm lựng.

Anh Lê Phước Thảo, ngư dân xóm Chùa Bà, Nam Hải, Bạc Liêu chia sẻ: Ngày nay người đông, tiêu thụ nhiều nên ba khía ngày càng ít. Xưa nay ba khía tươi luôn là đặc sản vì nó chỉ rời nước vài tiếng là chết.

Mỗi đêm, tụi tui vẫn đi bắt ba khía. Khác với mùa ba khía hội vào dịp rằm tháng 7, tháng 8, những tháng còn lại thì ngày rằm rất ít ba khía và cũng không ngon. Ba khía ngon là vào cuối tháng, những ngày nước lên.

Tuy vậy, mỗi người cũng chỉ kiếm được chừng chục ký. Vì không có nhiều nên vớt được ba khía thì lắc rửa sạch tại chỗ, cho vào khạp gỗ. Sáng ra bán cho khách nào muốn ăn tươi. Tới 9 giờ mà bán không hết là phải lo làm mắm. Cũng như cua, ba khía chết không thể chế biến món ăn, càng không thể làm mắm.

Chuyện bắt ba khía như ba cô kể giờ không còn nữa đâu. Bây giờ ngày hội ba khía, người bắt giỏi cũng chỉ kiếm được năm bảy chục ký là nhiều nên giờ mắm ba khía cũng thành đặc sản.

Anh Nguyễn Văn Hưng, cán bộ khuyến ngư Bạc Liêu, cho biết, đánh bắt ba khía không hình thành nghề riêng mà chỉ là việc làm thêm lúc nông nhàn. SX mắm ba khía hiện cũng do các cơ sở SX thủ công. Tuy nhiên ngày nay các cơ sở chế biến mắm ba khía đều có đăng ký và được kiểm soát quy trình đảm bảo ATVSTP.

15-43-20_mm-b-khi-3
Mắm ba khía tại cửa hàng mắm

Bà Nhung, chủ cơ sở mắm Mỹ Nhung, khóm Đầu Lộ, Nhà Mát, Bạc Liêu cho biết: Ngày xưa người ta lấy nước biển lên, thêm muối vào là làm mắm. Nhưng giờ, đảm bảo ATVSTP nên chúng tôi đều lấy nước máy, pha muối tinh để làm mắm. Vào mùa hội ba khía, cơ sở Mỹ Nhung có thể thu mua 1-2 tấn ba khía/ngày. Còn như hiện nay, mỗi ngày cũng thu mua gần trăm ký ba khía.

Sau vài tiếng để trên cạn, ba khía khát nước yếu dần. Khi đó, khạp nước muối đã sẵn sàng thả ba khía vào. Nước muối nhạt thì mắm ba khía sẽ bị “trở”, có mùi thum thủm. Nhưng nếu mặn quá mắm cũng không ngon.

Để biết độ vừa của nước muối, người ta lấy đoạn cây mắm thả vô, cây nổi lên là đạt. Ba khía khát nước sẽ uống thật nhiều nước muốn mặn mà… đơ, bốn ngày sau là thành mắm.

Mắm ba khía ăn ngon nhất là sau khi muối từ 4 đến 10 ngày. Mắm làm bình thường để được khoảng 1 tháng. Với nhu cầu xuất cho Việt kiều mang đi Mỹ, châu Âu, nên mắm ba khía làm kỹ (ủ chặt, đậy kín) có thể để được 6 tháng.

Ba khía tươi giá bình quân 45.000-50.000 đồng/kg. Mắm ba khía tại cơ sở SX có giá 90.000 - 100.000 đồng/kg nhưng tại chợ Bến Thành (TP.HCM), giá mắm ba khía những ngày giáp Tết là 200.000 đồng/kg.

Bà Thu, chủ sạp bán mắm tại chợ Bến Thành cho biết, để phục vụ cho Việt kiều mua mang đi, cơ sở luôn lấy mắm hàng tuyển, mới ngon mỗi tuần.

Mắm ba khía bọc kín, trữ lạnh có thể để được cả năm không mất vị ngon. Mỗi ngày quầy của bà bán được từ 5-10 ký mắm ba khía.

Mắm ba khía, không dễ cảm cái ngon khi lần đầu nếm thử. Nhưng đã sống ở Nam bộ ai cũng biết ăn và nghiền mắm ba khía, để rồi những ai lỡ xa xứ, đều nhớ mắm ba khía đến nao lòng.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm