Cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, Tân Lộc có nhiều cây trái đặc sản như xoài, mít, ổi, mận, nhãn... Cách nay 10 năm, được sự khuyến khích của Hội Nông dân và ngành khuyến nông, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, chọn cây mận An Phước làm cây chủ lực, bình quân mỗi hộ trồng từ vài công đến 1 ha với tổng diện tích gần 490 ha (tính đến năm 2018).
Mận An Phước là giống cho trái sai, quả to và ngọt, được ghép và nhân giống thành công tại An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Giống đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu từ năm 2003.
Ông Đào Văn Lâm giới thiệu chùm mận nghịch vụ cuối tháng 7 âm lịch. |
Ông Đào Văn Lâm, nhà ở KV. Trường Thọ 2, phường Tân Lộc cho biết, mận An Phước rất thích hợp với thổ nhưỡng ở cù lao Tân Lộc nên hầu hết bà con nông dân đều coi đây là cây phát tài.
Hiện ông Lâm đã trồng được gần 1 ha, cây 4 năm tuổi. Thời vụ ra hoa chính vụ của mận An Phước bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, chất lượng thơm ngon nhất là từ sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, phần lớn các nhà vườn đều xử lý cho mận ra hoa mùa nghịch. Nhờ vậy mà mận An Phước hầu như có mặt quanh năm và giá cao nhất là khoảng tháng 7 và 8.
Mùa thuận, mận An Phước có giá từ 12.000 – 20.000đ/kg; mùa nghịch từ tháng 7 âm lịch đến gần Tết, năng suất thấp nhưng giá cao gấp đôi mùa thuận, có lúc lên đến 70.000đ/kg (loại I). Tính bình quân một người trồng đạt năng suất mỗi năm có thể thu nhập từ 100.000 - 120.000đ/công.
Ông cho biết năm nay, vào thời điểm này mận có giá 27.000đ/kg bán xô, còn mận lựa có giá 40.000đ/kg, giúp cho các nhà vườn tăng thêm thu nhập đáng kể. Riêng gia đình ông, sau khi trừ hết các chi phí (khoảng 40%) còn lời trên 500 triệu đồng, cao hơn các năm trước nhờ mận nghịch mùa giá cao.
Các vườn mận ngày nay hầu hết đều được trùm lưới. |
Theo các nhà vườn Tân Lộc, trước đây vài năm, nhiều người đã quay lưng với mận An Phước vì nhà vườn sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật khiến cho chất lượng không an toàn.
Để khắc phục tình trạng nói trên, nhiều nhà vườn đã có sáng kiến bao trái nhưng không khả thi vì vườn mận quá lớn không thể nào thực hiện nổi.
Gần đây, bà con đã áp dụng biện pháp trùm mùng lưới toàn bộ khu vườn để tránh ruồi đục trái. Xem ra giải pháp này rất hữu hiệu, vừa tiết kiệm được chi phí thuốc trừ sâu bệnh, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lâm cho biết, tiền mua lưới trùm cho một công mận tốn khoảng 7 triệu đồng, công lao động 500.000đ, nhưng bù lại hiệu quả tăng cao, tiết kiệm được 50% tiền thuốc, người tiêu dùng an tâm không sợ bị ngộ độc thuốc.
Phân loại và đóng gói mận trước khi vận chuyển đi xa. |
Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, muốn cho mận lớn trái, ngọt, no tròn, màu sắc rực rỡ, thu hút được khách hàng, người trồng phải chú ý đến việc cắt tuyển trái non và dùng cây làm giàn chống đỡ, phân bố sao cho các chùm mận nằm rải rác đều trên tàn cây, không bị chèn ép.
Có thể nói mận An Phước là một trong những loài cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ đối với bà con nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Tân Lộc là nơi có diện tích trồng mận An Phước lớn nhất và năng suất cao nhất ở Cần Thơ, tạo cơ hội cho nhiều nhà vườn phát huy tối đa thế mạnh của mình, góp phần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế địa phương.
Sắp tới đây, cù lao Tân Lộc sẽ hình thành tour du lịch khám phá và trải nghiệm về nhà cổ, vườn cây ăn trái, ẩm thực đồng quê và nghỉ dưỡng. Hy vọng các vườn mận sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút khách của đất cù lao.