| Hotline: 0983.970.780

Mạnh tay với hành vi chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu

Thứ Hai 20/05/2019 , 13:15 (GMT+7)

Bình Định hiện có hơn 3.000 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, là 1 trong những tỉnh được hưởng khoản hỗ trợ nhiên liệu khai thác thủy sản trên các vùng biển xa theo QĐ 48 nhiều nhất cả nước.

Đầu tháng 5/2019, ngành chức năng tỉnh Bình Định lại 1 lần nữa truy tố hàng chục người về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hành vi làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu khai thác thủy sản trên các vùng biển xa theo QĐ 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là QĐ 48) với hàng chục tỷ đồng.

16-22-28_2
Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động trên vùng biển xa được hưởng chính sách hỗ trợ của QĐ 48.

Thời gian qua, lợi dụng chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cũng như thúc đẩy ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc, rất nhiều chủ tàu cá dù đang nằm bờ nhưng vẫn làm khống hồ sơ giả mạo có đi khai thác các vùng biển xa để nhận hàng chục tỷ đồng tiền hỗ trợ. Phát hiện được thủ đoạn này, các ngành chức năng đã mạnh tay xử lý.

Mới đây nhất, vào ngày 3/5 vừa qua, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bình Định đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Định đề nghị truy tố Ngô Thị Hoa cùng đồng bọn gồm 16 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hành vi làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo QĐ 48

Theo kết quả điều tra, từ năm 2012 đến 2016, Ngô Thị Hoa và rất nhiều chủ tàu cá ở Bình Định mặc dù nằm bờ nhưng đã làm khống hồ sơ giả mạo tàu cá khai thác hải sản tại các vùng biển xa để nhận tiền hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Trong vụ án nói trên, Cơ quan ANĐT đã thu hồi cho Nhà nước hơn 35 tỷ đồng.

Trước đó khoảng 2 tháng, vào ngày 4/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh cũng đã bắt tạm giam Nguyễn Thiện Quốc (48 tuổi) ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cũng với tội danh trên. Theo điều tra của ngành chức năng, trong năm 2015, Quốc cùng đồng bọn đã thực hiện những thủ tục xác nhận xuất, nhập bến của tàu cá khi khai thác xa bờ không đúng với thực tế và quy định.

Trong quá trình điều tra các vụ án tương tự, ngành chức năng đã phát hiện có dịch vụ “cò”, chuyên móc nối với các chủ tàu cá để làm giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu tàu cá đánh bắt xa bờ.

Ông Trần Văn Sang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, cho biết vào ngày 17/4 vừa qua, hàng loạt đối tượng là “cò” chuyên làm hồ sơ giấy tờ giả mạo để các tàu cá dù không đi khai thác vùng biển xa nhưng vẫn nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu đã sa lưới pháp luật.

“Về cơ bản, tính chất những vụ án này giống nhau, các đối tượng cùng có thủ đoạn làm gian dối hồ sơ để chiếm đoạt tiền nhà nước. Việc trục lợi này được thực hiện bởi nhiều chủ tàu, đối tượng khác nhau”, ông Sang cho biết.

“Chiêu trò” mà các đối tượng thường sử dụng là gửi máy HF theo những tàu đi đánh bắt để xác nhận thông tin. Điển hình như trường hợp ngư dân N.V.T (ở TP Quy Nhơn) làm giả hồ sơ chuyến biển từ ngày 23/3 đến 7/4/2015 để nhận hỗ trợ 55 triệu đồng tiền nhiên liệu dầu. Cùng thời điểm này, ông T.V.C (ở cùng địa phương) cũng làm giả hồ sơ chuyến biển để nhận hỗ trợ 75 triệu đồng.

16-22-28_1
Tàu cá của ngư dân Bình Định ghé đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để ký xác nhận tàu có đánh bắt trên vùng biển Trường Sa.

Ngày 3/9/2015, khoản kinh phí hỗ trợ 2 trường hợp nói trên đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế của cơ quan công an, 2 tàu này đều có tham gia đánh bắt xa bờ nhưng do tàu cá bị hư, thuyền viên gặp tai nạn, nên thời điểm trên không tham gia đánh bắt xa bờ. Dù vậy, các chủ tàu này vẫn gửi máy HF (máy thông tin liên lạc tầm xa kết hợp với định vị) cho 1 tàu đánh bắt xa bờ khác để xác nhận thông tin với ngành chức năng, sau đó làm hồ sơ hoàn thành chuyến biển để nhận tiền hỗ trợ.

“Qua công tác điều tra những vụ án làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Qua đó, đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, bịt những “lỗ hổng” trong việc thực hiện Quyết định 48, ngăn chặn thất thoát tiền của Nhà nước, chấm dứt tình trạng làm khống hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu khai thác thủy sản trên các vùng biển xa”.

Xem thêm
Tín hiệu khả quan kết thúc năm khó khăn của ngành tôm ĐBSCL

ĐBSCL Tại ĐBSCL, thời điểm này đang cao điểm thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu có tín hiệu tăng từ nửa đầu tháng 9, dự kiến còn giữ đà tăng đến đầu năm sau.

Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD và ngành này sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.