Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, đánh giá, việc triển khai các chương trình, kế hoạch trọng điểm của ngành Lâm nghiệp mang lại tín hiệu tích cực. Còn theo ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, độ che phủ của rừng chung của thế giới là 28%, trong khi đó ở Việt Nam tính đến nay là 42,02%, thuộc nhóm nước có độ che phủ rừng cao trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã duy trì được diện tích rừng tự nhiên thông qua các biện pháp, như khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng. Đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam ở một số vùng đã tăng lên.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài bất cập về công tác quy hoạch ở địa phương, tình trạng vi phạm quy định bảo vệ và phát triển rừng còn diễn ra phức tạp. Việc tổ chức, quản lý thực hiện cùng Chương trình 809, Tiểu dự án 1 trên địa bàn còn nhiều lúng túng; năng lực triển khai của địa phương, đặc biệt là cấp xã còn hạn chế, nhiều chủ rừng tại khu vực II, III (Hộ gia đình người Kinh không nghèo) không được hỗ trợ bảo vệ rừng.
Để đảm bảo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững được thực hiện đúng trọng tâm và nhiệm vụ, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Lâm nghiệp hoàn thành các mục tiêu chính trong năm 2025 như sau: Tổng hợp toàn bộ chi phí, kế hoạch triển khai của toàn bộ địa phương để gửi cho Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc; điều hành để đảm bảo đạt được chỉ tiêu và đề ra các chỉ tiêu phù hợp. Đặc biệt, vấn đề then chốt nhất là cần xây dựng văn bản pháp luật có cơ chế, chính sách đúng đắn nhất để giải quyết các vấn đề trên thực tiễn.
Ngoài ra, Cục Kiểm lâm và Cục Lâm nghiệp cũng cần phối hợp, tổ chức các đoàn kiểm tra (ít nhất 10 đoàn/năm) và các đoàn thanh tra để thực hiện tốt chức năng quản lí của Nhà nước.
Đối với kế hoạch cho Chương trình giai đoạn 2026 - 2030, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề xuất đưa bảo vệ rừng vào chương trình thường xuyên để Bộ Tài chính cấp kinh phí cho địa phương hằng năm, đảm bảo nguồn chi đến đúng hạn. Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh và tích cực xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện để chương trình được lan tỏa rộng rãi hơn.
Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Cục Kiểm lâm cũng cam kết sẽ phối hợp với các ban, ngành địa phương để đẩy mạnh công tác quản lí, bảo vệ và chống phòng cháy rừng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững trên 3 trụ cột chính: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo, từ giai đoạn 2026 - 2030, cần đảm bảo thu nhập của lực lượng trong ngành lâm nghiệp để nuôi được những người nuôi rừng, giữ được mục tiêu giữ rừng, hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững. Bộ NN-PTNT cũng sẽ dành sự tập trung cho lĩnh vực lâm nghiệp, bởi sự quan tâm của Nhà nước là một cách marketing để thu hút nguồn lực của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần liệt kê các mục đích của việc huy động vốn, từ đó tạo một chính sách thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, vấn đề về nghiên cứu rừng và đa dạng sinh học cũng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan chú trọng. Vì thế, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các chương trình khoa học công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu các vấn đề mới để mở ra cơ hội phát triển các dự án mới trong tương lai.