| Hotline: 0983.970.780

Masan 'hiến kế' doanh nghiệp cùng bắt tay giảm giá thịt lợn

Thứ Ba 31/03/2020 , 16:11 (GMT+7)

Doanh nghiệp chăn nuôi và chuỗi phân phối đồng hành giảm bớt khâu trung gian sẽ giảm được giá thịt lợn, bảo vệ ngành hàng này phát triển bền vững.

Ngoài ra, doanh nghiệp chăn nuôi cần tập hợp lại, cùng bắt tay nhau đầu tư gây giống, phát triển đàn lợn, đặc biệt là giống lợn quý của Việt Nam.

Cùng nhau phối hợp trong toàn chuỗi cung ứng

Câu chuyện cung cầu, giá thịt lợn ở mức cao đang là vấn đề được Chính phủ, nhiều Bộ ngành đặc biệt quan tâm. Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT chỉ trì tổ chức hội nghị, làm việc với các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi để lắng nghe các kiến nghị, giải pháp giảm giá thịt lợn và phát triển ngành hàng chăn nuôi, thực phẩm này một cách bền vững.

Chia sẻ tại hội nghị, Tập đoàn Masan - đơn vị thành công trong mô hình 3 F (Feed- Farm-Food) với chuỗi chăn nuôi và chế biến khép kín trong toàn bộ khâu của chuỗi giá trị thịt lợn từ con giống, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ cho rằng, giảm chi phí khâu trung gian đối với ngành hàng thịt lợn hiện này không phải là việc làm của riêng một doanh nghiệp. Để đảm bảo an sinh xã hội, người tiêu dùng có sản phẩm, người chăn nuôi có lợi thì cần sự chung tay, phối hợp giữa các doanh nghiệp.

Lợn được chăn nuôi tại trang trại công nghệ cao của Masan. Ảnh: ĐC.

Lợn được chăn nuôi tại trang trại công nghệ cao của Masan. Ảnh: ĐC.

Theo đó, đại diện Masan kiến nghị 4 nhóm giải pháp. Cụ thể, Chính phủ và Bộ NN-PTNT cần có định hướng, kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Dabaco, De Heus, Japfa ngồi lại để bàn phương án hợp tác, phối hợp cùng nhau trong toàn chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp này sẽ giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường, tiến tới giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến nguồn cung giống cụ kỵ rất thiếu, đây cũng là công việc Masan đang tập trung đầu tư tái tạo và bảo tồn đàn giống cụ kỵ. Nhưng sức đầu tư của một doanh nghiệp là không đủ với một ngành hàng trị giá lên tới 10,2 tỉ USD. Chính phủ, Bộ NN-PTNT cần có cơ chế quy hoạch một vùng để các doanh nghiệp cùng nhau tập hợp lại cùng đầu tư, gây giống, phát triển đàn lợn ở VN nhất là giống lợn quý, tốt và đây là chìa khóa phát triển bền vững.

Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang lan ra toàn cầu, nhiều quốc gia ban hành các lệnh cấm xuất khẩu lương thực, “doanh nghiệp chúng tôi xin đề xuất Chính phủ ký hợp đồng thương mại nhập khẩu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ và nếu được cho phép, Masan sẽ tích cực tham gia đàm phán thương mại”, đại diện Masan nói.

Đại diện Masan cho rằng, thực tế thị trường cho thấy dù tất cả các doanh nghiệp chăn nuôi đang rất nỗ lực nhưng năng lực sản xuất, sản lượng đàn lợn Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu trong ngày một ngày hai là đủ. Theo đó, Chính phủ và Bộ NN-PTNT cần có chính sách khuyến khích, để gia tăng nguồn đạm động vật thay thế cho thịt lợn như gà, cá… Theo thống kê hiện nay, giá trị thị trường ngành đạm từ cá lên tới 5 tỉ USD.

Gỡ nút thắt giá thịt lợn ở khâu trung gian

Cũng theo đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi, nếu so sánh trong giá lợn hơi từ cơ sở sản xuất cho đến khi giết mổ, giá chênh lệnh rất lớn, có thời điểm lên tới 10.000 - 15.000 đồng/kg. Chưa kể sau đó, thịt lợn từ nơi giết mổ đến người tiêu dùng tiếp tục qua nhiều nấc trung gian khiến giá bán đội lên cao.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành hàng thịt lợn có vai trò quan trọng khi thói quan tiêu dùng thực phẩm thịt lợn chiếm 65 - 70% trong rổ thực phẩm. Năm 2019, ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi khiến GPD của ngành nông nghiệp giảm 1,1%. Dự báo đến quý 4, Việt Nam cơ bản sẽ đảm bảo nguồn cung, cân bằng được cung cầu thịt lợn.

Người tiêu dùng mua thịt lợn mát tại siêu thị. Ảnh: MS.

Người tiêu dùng mua thịt lợn mát tại siêu thị. Ảnh: MS.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp lớn cam kết hạ giá lợn hơi từ cơ sở sản xuất xuống dưới 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 góp phần hạ giá thịt lợn; nhưng phải xác định để ổn định được giá thị trường này thì cần phải tiếp tục có nhiều giải pháp đồng bộ, khi giá thịt lợn còn nằm rất nhiều ở khâu trung gian.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích, hiện tại có rất ít doanh nghiệp được như Masan, chủ động bài bản từ thức ăn, trang trại chăn nuôi cho đến giết mổ, chuỗi phân phối nên giá thịt lợn vẫn còn khâu trung gian. Đây chính là nút thắt, tồn tại chúng ta phải giải quyết, để làm sao giảm bớt khâu trung gian đi; phải khép kín, từ chăn nuôi, giết mổ, tổ chức chế biến cho đến phân phối lưu thông đều giảm bớt khâu trung gian, người chăn nuôi và người tiêu dùng càng gần nhau càng tốt.

“Các doanh nghiệp lớn đồng hành, đoàn kết lại để giảm tối đa khâu trung gian. Chúng ta phải làm chủ thị trường thiêu thụ trong nước 100 triệu dân có kết cấu 65% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm là thịt lợn. Nếu làm tốt, ngành hàng thịt lợn hoàn toàn có thể tham gia xuất khẩu thị trường quốc tế”, ông Cường nói.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.