Lý do được đưa ra là việc cho ong ngoại vào sẽ ảnh hưởng và mai một thương hiệu mật ong bạc hà của tỉnh này.
Hai luồng quan điểm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến đã có công văn gửi các bộ, ban, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ, tìm hướng xử lý dứt điểm việc các chủ ong ngoại ồ ạt đổ bộ vào vùng mật ong bạc hà khiến nghề nuôi ong địa phương lao đao.
Ông Tiến đưa ra rất nhiều căn cứ, bằng chứng cho rằng, nếu để ong ngoại "gần" ong nội sẽ lây lan dịch bệnh, tranh cướp mật, phấn hoa giữa ong nội và ong ngoại. Bởi ong ngoại to và khỏe hơn, số lượng đông hơn nên thường áp đảo trong các "cuộc chiến tay đôi".
Là đơn vị được Bộ NN-PTNT giao quản lí nhà nước về ong, vừa qua Cục Chăn nuôi đã có buổi làm việc tham vấn các chuyên gia, nhà quản lí, nhà bảo tồn hàng đầu Việt Nam về ong nhằm tìm ra giải pháp hợp tình, hợp lý nhất cho Hà Giang.
Ông Võ Việt Dũng, Công ty CP Ong Trung ương cho rằng, diện tích vùng cây bạc hà tại Hà Giang khoảng 20.000 ha, tổng đàn ong của tỉnh khoảng 2.000 đàn. Như vậy, bình quân mỗi đàn ong sở hữu khoảng 10ha là khá rộng, nếu không khai thác tối đa lượng mật này sẽ lãng phí.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, hiện chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh ong ngoại truyền bệnh cho ong nội, thậm chí ong nội còn truyền bệnh sang ong ngoại. Riêng về việc tranh cướp mật, ông Dũng cho biết chỉ xảy ra khi nguồn mật khan hiếm, bình thường sẽ không có vấn đề gì.
Còn ông Phạm Đức Hạnh, Trung tâm Nghiên cứu Ong (Viện Chăn nuôi) cho rằng, bảo ong nội, ong ngoại có tranh chấp mật hay không nói không cũng đúng và nói có cũng không sai. Nếu trong trường hợp thiếu mật sẽ có tranh chấp, còn nếu nguồn hoa phong phú sẽ không sao.
Riêng về bệnh, giữa ong nội và ong ngoại đều có những bệnh chung và riêng nên có một số bệnh có thể lây lan, một số bệnh thì không. Đăc biệt, ong nội và ong ngoại không thể giao phối được với nhau.
Không đồng tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) Phạm Hồng Thái khẳng định, ong nội và ong ngoại có các bệnh vi rút và ấu trùng châu Âu là giống nhau nên có khả năng lây bệnh cho nhau.
Ông Thái cho biết thêm, cây bạc hà là loài cây chỉ có ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn thuộc 4 tỉnh vùng cao Hà Giang là Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh. Thời gian ra hoa từ tháng 8 - 12 âm lịch hàng năm.
“Đồng bào dân tộc 4 huyện núi đá cuộc sống vô cùng khó khăn, ngoài cây ngô ra nay có thêm ghề nuôi ong, cả tháng trời mới được chai mật đem bán mà giờ người nuôi ong ngoại cũng định giành lấy là sao. Chúng ta phải xác định rõ trong chuyện này, chúng ta đang bảo vệ ai”, ông Phạm Hồng Thái nói. |
Loài cây này có đặc thù là chỉ cần thay đổi thời tiết hay một vài cơn gió mạnh là có thể ngừng tiết mật và rụng phấn, nếu để ong nội và ong ngoại cạnh nhau thì ong ngoại sẽ tranh cướp mật của ong nội khi khan hiếm mật.
Hơn nữa, ông Phạm Hồng Thái lo lắng, việc gìn giữ và bảo tồn được thương hiệu mật ong bạc hà đến ngày hôm nay là vô cùng khó khăn, vất vả, tỉnh chi ra không ít tiền của nên không thể vì vài tấn mật mà phá nát vùng ong quý hiếm này.
Đặc biệt, do giá trị mật ong bạc hà cao gấp 6 lần mật ong thường nên nếu thả cửa, ong ngoại ngay lập tức sẽ "làm chủ" tỉnh Hà Giang.
Cách nào bảo tồn?
Đứng trước hai luồng quan điểm của các chuyên gia, doanh nghiệp về ong, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm cho rằng, việc tranh cãi về kỹ thuật sẽ rất khó tìm được đáp số chung. Điều quan trọng ở đây là cân nhắc cái được, cái mất, tính xã hội, tính nhân văn, pháp luật để đưa ra giải pháp phù hợp.
Nghề nuôi ong bạc hà tại Hà Giang đang đứng trước thử thách lớn
Theo ông Tâm, hiện Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đàn ong, trong đó ong ngoại chiếm áp đảo với 1,2 triệu đàn. Những người nuôi ong ngoại đa phần là nuôi chuyên nghiệp, di chuyển kiểu du canh du cư, có tiềm lực kinh tế mạnh, bên cạnh đó ong Ý cũng mạnh hơn ong nội về mọi mặt.
Ông Tâm khẳng định: “Nếu để cho ông ngoại tràn vào tỉnh Hà Giang, chỉ 1 - 2 năm sau chắc chắn nghề nuôi ong của người dân bản địa sẽ tàn, giống như bài học mật ong càng cua ở Mộc Châu, Sơn La trước đây.
Tuy nhiên, nếu cấm thì dựa vào quy định nào và cấm như thế nào để không tạo ra tiền lệ xấu sau này, các tỉnh khác cũng cấm như Hà Giang thì nghề nuôi ong sẽ gặp khó khăn”.
Cũng theo ông Tâm, việc Hà Giang căn cứ vào chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) cấp để cấm không cho ông ngoại vào tỉnh cũng không thuyết phục.
Bởi căn cứ này chủ yếu đề cập đến thương hiệu và chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ chứ không đề cập cụ thể, chi tiết là ong nào. Vì vậy, ông Tâm kiến nghị Hà Giang nên dựa vào quy định về bảo tồn để bảo vệ thương hiệu và đàn ong địa phương.
Trước nhiều luống ý kiến khác nhau, quan điểm của lãnh đạo Cục Chăn nuôi là cố gắng làm sao phải gìn giữ và bảo tồn được thương hiệu mật ong quý hiếm bạc hà Hà Giang.
Tuy nhiên, việc gìn giữ đó cũng phải trên cơ sở khoa học và tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như trong khuôn khổ những gì pháp luật cho phép. Do đó, sau buổi làm việc với các chuyên gia, lãnh đạo Cục Chăn nuôi sẽ có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang để đưa ra phương án cuối cùng.
Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lí và Nhãn hiệu Quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ): "Nếu người nuôi ong ngoại mang ong lên Hà Giang và bán dưới tên mật ong bạc hà đã được đăng ký chỉ dẫn địa lí là vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc dựa theo chỉ dẫn địa lý để cấm chắc chắn sẽ không thuyết phục, còn dựa theo Luật Bảo tồn cấm cũng chưa đủ bởi giống ong Ý cũng đã được công nhận là giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh từ nhiều năm nay. Theo tôi nên áp dụng cả Luật Tài nguyên may ra mới đủ căn cứ pháp lý". |
Ông Lê Quang Trung - Viện An toàn thực phẩm, Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert: “Loài ong bản địa tại Hà Giang có tên khoa học là Apis ceranam khắc hẳn các phân loài ong nội khác nên cần được bảo tồn và không nên đưa ong khác vào. Theo tôi, chỉ cần kiểm soát chặt và có chế tài xử phạt ong mật giả ong bạc hà trà trộn tại Hà Giang tự khắc các cơ sở nuôi ong ngoại tự rút lui hết chứ lấy đâu ra lắm mật ong bạc hà thế. Mặc dù có 20.000 ha cây bạc hà nhưng mật độ rất thưa, có nơi 1m2 chỉ có vài cây nên tôi nghi ngờ việc các chủ ong ngoại tìm mọi cách lên Hà Giang mục đích chính là để gian lận thương mại”. |