Mô hình sử dụng máy cuộn rơm của Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình
Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hầu hết các địa phương vẫn chưa có biện pháp sử dụng rơm rạ sao cho hiệu quả.
Một phần rơm rạ sau khi phơi xong sử dụng không hết bị bỏ xuống kênh mương gây ách tắc dòng chảy, cản trở tưới tiêu. Còn lại, phần lớn nông dân sẽ đốt ngay ngoài ruộng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường...
Trong khi đó, chăn nuôi gia súc, trồng nấm ăn ngày càng phát triển. Nhu cầu nguồn nguyên liệu rất lớn, đặc biệt trong vụ đông, nguồn thức ăn xanh bị thiếu hụt. Nếu thu gom thủ công sẽ tốn nhiều công lao động, năng suất thấp dẫn đến chi phí đầu tư mua nguyên liệu tăng cao. Mặt khác khi thu hoạch xong, bà con không thu gom được ngay để xử lý sẽ dẫn đến thối mốc không sử dụng được.
Để tận dụng rơm rạ dư thừa, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ máy móc, thiết bị trong thu gom rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trồng nấm ăn.
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã triển khai hỗ trợ 2 máy cuộn rơm trên địa bàn huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Dựa vào điều kiện thực tế của từng địa phương, các đơn vị được hỗ trợ đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi và lựa chọn các chủng loại máy cuộn rơm hiện nay có trên thị trường và đã lựa chọn được máy có kích thước dài 115cm x rộng 130cm x cao 130cm, trọng lượng 330kg, xả rơm bằng thủy lực - dây kéo, công suất máy kéo từ 25 - 50HP và 1 người lái vận hành máy.
Kết quả chạy thu gom rơm, rạ thực tế ngoài đồng ruộng cho thấy: Năng suất từ 30 - 50 cuộn/giờ (tùy theo lượng rơm trên ruộng còn nhiều hay ít), trọng lượng cuộn rơm khô đạt 15kg/cuộn, kích thước cuộn rơm là rộng 50cm x dài 70cm, rất phù hợp cho việc vận chuyển, bốc xếp, bảo quản và tốc độ di chuyển khi máy làm việc từ 3 - 5km/h.
Đây là vụ đầu tiên đưa vào chạy thử, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành máy cũng như là liên kết với các chủ máy gặt để gặt thấp gốc rạ, sao cho lượng rơm rạ trên đồng được nhiều nhất, nhưng theo hạch toán sơ bộ giá thành mỗi kg rơm sẽ rẻ hơn nhiều so với thu gom thủ công bằng tay.
Trong khi đó, khối lượng của mỗi tấn rơm cuộn khi bảo quản sẽ nhỏ hơn 3 lần so với bảo quản đánh đống bằng tay và thời gian thu bằng máy nhanh hơn 5 - 7 lần/ha. Ngoài ra, máy cuộn rơm được kết hợp với máy làm đất nên sau mỗi vụ thu rơm rạ, máy làm đất vẫn hoạt động như bình thường.
Qua quá trình thực hiện cho thấy việc đưa máy cuộn rơm vào sử dụng là một giải pháp tối ưu giúp giải quyết được bài toán xử lý nguồn rơm rạ sau thu hoạch góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng rơm rạ, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa, cũng như góp phần đáng kể vào việc hạ giá thành sản phẩm chế biến và bảo vệ môi trường.