| Hotline: 0983.970.780

Máy Nhật chiếm lĩnh thị trường

Thứ Sáu 02/03/2012 , 10:15 (GMT+7)

Nhiều thương hiệu máy Trung Quốc và máy SX trong nước đang mất dần thị phần do không cạnh tranh nổi với máy Hàn Quốc, Nhật Bản (chủ yếu là của hãng Kubota).

Dịch vụ máy GĐLH hiện nay chủ yếu là máy hiệu Kubota

Mấy năm trở lại đây, thị trường máy GĐLH ở ĐBSCL đã có sự soán ngôi giữa máy chất lượng thấp (giá rẻ) và máy chất lượng cao. Nhiều thương hiệu máy Trung Quốc và máy SX trong nước đang mất dần thị phần do không cạnh tranh nổi với máy Hàn Quốc, Nhật Bản (chủ yếu là của hãng Kubota).

Máy Nhật ăn đứt

Đi dọc theo các cánh đồng lúa đang thu hoạch ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất (Kiên Giang), phần lớn máy GĐLH đi làm dịch vụ đều là máy Kubota. Lâu lâu mới thấy chiếc máy Trung Quốc hoặc máy do các cơ sở cơ khí trong nước SX.

Ông Út Em, một nông dân ở huyện Giồng Riềng đã đầu tư gần 3 tỷ đồng làm dịch vụ thu hoạch lúa cho biết: Trước đây khi mới có máy GĐLH nông dân không kén chọn máy nhưng giờ máy Nhật họ mới mướn. Tôi đã phải bán 4 chiếc máy của Trung Quốc để mua lại 2 máy hiệu Kubota để đi làm. Tuy giá thành đầu tư ban đầu cao gấp đôi nhưng đi làm chạy việc hơn, ít phải bỏ tiền ra sửa chữa thường xuyên. Hiện nay máy Trung Quốc hay máy sản xuất trong nước chủ yếu là làm ruộng nhà, hay làm cho bà con, chứ đi là dịch vụ thì khó mà cạnh tranh được”.

Ông Ngô Văn Đương, nông dân ở TP Cần Thơ nhẩm tính, chi phí ở khâu thuê máy thu hoạch thấp hơn nhiều so với thuê cắt tay lại vừa gọn nhẹ, máy tự rải rơm luôn, chờ khô là đốt vệ sinh đồng ruộng. Các năm trước chưa có dịch vụ máy GĐLH phải thuê lao động cắt tay với chi phí cao gấp mấy lần. Nếu thuê được máy xịn là coi như yên tâm chờ lúa về nhà chỉ mất 250.000 đồng/công (cắt 20.000 đồng, vận chuyển 50.000 đồng).

Trong khi đó thuê cắt tay phải qua nhiều khâu như cắt, bó, gom vào đống, máy suất, máy kéo về nhà giá phải 500.000- 600.000 đồng/công mà lại thất thoát nhiều. Vào những lúc đông ken muốn kiếm được người thuê cũng không đơn giản.

Ông Nguyễn Văn Lừa, làm 12 ha lúa ở thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, ông là người tiên phong đưa máy GĐLH về vùng đất này từ năm 2008. Từ khi máy có GĐLH đã giải quyết tình trạng thiếu nhân công cắt lúa khi vào vụ thu hoạch rộ.

Ở tỉnh Vĩnh Long nông dân cũng rất chuộng máy Nhật hơn máy Trung Quốc. Ông Lê Quang Thảo, PCT UBND xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long cho biết: Toàn xã hiện có hơn 30 máy GĐLH đáp ứng đủ cho cánh đồng 1.026 ha đất lúa. Ngoài phục vụ cánh đồng trong xã bà con còn làm dịch vụ cắt mướn ở xã khác.

Thị trường sôi động

Bà Lê Thị Hồng, GĐ Cty TNHH MTV Long Bình (An Giang) cho biết, thị trường máy GĐLH ở đầu vụ lúa ĐX 2011- 2012 khá sôi động. Từ đầu năm đến nay Cty bán ra trên 60 chiếc máy GĐLH hiệu DC 60 của Kubota (Nhật), giá máy dao động từ 525-530 triệu đồng/máy. Trong năm qua Cty tạo điều kiện cho nông dân mua máy trả chậm trong 2- 3 tháng, đồng thời Cty Long Bình còn kết hợp Ngân hàng NN- PTNT tỉnh An Giang đứng ra cho nông dân vốn vay từ 70- 80%, với lãi suất ưu đãi ở mức thấp để tăng lượng máy trong tỉnh, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch trên đồng ruộng.

Cty TNHH MTV Cơ khí Đại Lợi từng là một đơn vị SX máy GĐLH hàng đầu ở tỉnh Đồng Tháp cũng trở thành nhà phân phối máy GĐLH cho Cty Kubota. Ông Lê Tấn Đại, GĐ Cty cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay Cty đã bán gần 40 máy GĐLH, so với nhu cầu lượng máy nhập về không đủ đáp ứng cho nông dân.

Hiện nay có hơn 20 nông dân đã đưa tiền cọc trước cho Cty đang chờ ngày hẹn mua máy. Đa phần hiện nay nông dân chọn dòng máy GĐLH của hãng Kubota (chiếm khoảng 95%) mặc dù giá cao hơn các loại khác từ 100- 150 triệu đồng/máy. Tuy giá máy Nhật cao nhưng nhờ độ bên cao, tính năng hoạt động ổn định nên nông dân rất ưa chuộng. Thông thường một chiếc máy GĐLH của Nhật hoạt động hết công sức từ sáng đến chiều từ 4- 5 ha, tức là máy chạy từ 7- 8 công/giờ, máy mua về chạy 2 năm có thể thu hồi vốn.

Ông Quách Ba, GĐ Cty TNHH Vĩnh Hưng, đơn vị chuyên SX máy GĐLH ở Kiên Giang cho biết: "Máy GĐLH SX trong nước hiện chúng ta đã làm chủ được công nghệ, nhiều bộ phận trong nước đã SXđược. Tuy nhiên, vẫn phải lệ thuộc nước ngoài về động cơ nổ, bộ phận thủy lực hộp số và bánh xích cao su. Các DN lại gặp khó khăn về vốn nên thiết bị chế tạo chưa được đầu tư đồng bộ, làm thủ công nhiều nên chi phí SX cao, số lượng máy làm ra còn thấp. Hơn nữa, tâm lý nông dân vẫn e dè với máy trong nước nên khó tiếp cận thị trường.

Chính sách cho vay

 Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm KNKN Trà Vinh cho biết: Từ năm 2009, UBND tỉnh Trà Vinh đã có quyết định cho các HTX, trang trại, nông hộ vay 40 tỷ đồng có hỗ trợ lãi suất mua máy GĐLH. Sau 3 năm triển khai dự án, Trung tâm KNKN Trà Vinh đã chuyển giao cho nông dân mua được 130 máy GĐLH. Nhờ vậy, đến nay tỉnh đã có hơn 26% diện tích thu hoạch bằng máy. Trung tâm đang đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân mua thêm 107 máy GĐLH để giảm thất thoát trong thu hoạch lúa. Kiến nghị Bộ NN- PTNT nên thay đổi chính sách cho vay thay vì bắt buộc phải mua máy nội thì để nông dân tùy chọn, máy ngoại cũng được.

Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN- PTNT TP Cần Thơ cho biết, trong giai đoạn 2011- 2012, Cần Thơ sẽ thực hiện thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ SX nông nghiệp. Chính sách này sẽ được thực hiện trên toàn thành phố, ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương có diện tích SX lúa lớn, tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai. Dự kiến TP Cần Thơ sẽ tiến hành giải ngân cho các đối tượng mua 200 máy GĐLH và 50 máy kéo. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm cuối, theo mức lãi suất của Ngân hàng NN- PTNT Việt Nam cho vay tính theo từng thời điểm.

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN- PTNT Kiên Giang cho biết, ngoài chính sách hộ trợ của Trung ương, 8 năm qua tỉnh Kiên Giang đã chi ngân sách hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 100% lãi suất trong 2 năm để nông dân đầu tư mua máy GĐLH. Nhờ đó mà số lượng máy tăng lên rất nhanh. Hiện toàn tỉnh đang có 1.400 máy GĐLH, trong đó dẫn đầu là huyện Tân Hiệp với 650 máy.

Với số máy này có thể đáp ứng được 40- 45% nhu cầu thu hoạch bằng cơ giới. Đó là chưa kể lượng máy ở các tỉnh lận cận đến làm dịch vụ. Những năm gần đây, máy Nhật đang có xu hướng chiếm lĩnh thị trường do cả người đầu tư mua máy lẫn nông dân thuê làm dịch vụ đều ưa chuộng vì làm việc hiệu quả, tính ổn định cao.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm