Ngày 26/6, ekip bác sĩ của hai bệnh viện: Nhi đồng 2 và Đại học Y dược TP.HCM đã thực hiện ca phẫu thuật ghép gan cho bé trai. Dự kiến ca ghép kéo dài từ 10 - 14 giờ.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, trường hợp này là bé trai bị teo đường mật bẩm sinh, đã phẫu thuật Kasai (phẫu thuật nối mật ruột) lúc 1 tháng tuổi. Sau hơn 10 năm điều trị với căn bệnh, tình trạng bé đã diễn tiến xơ gan nặng.
Vì vậy, phẫu thuật ghép gan là cứu cánh cuối cùng cho bé. Người mẹ đã quyết định hiến tặng một phần gan của mình để cứu con trai, với sự hỗ trợ của các y bác sĩ.
Đây là ca ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Nhi đồng 2 sau thời gian hơn nửa năm bị gián đoạn. Trong thời gian tạm ngưng này, nhiều gia đình phải đưa con ra Hà Nội để ghép gan. Đối với các gia đình không có điều kiện đành đưa trẻ về nhà.
Bác sĩ Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban Giám đốc bệnh viện đã nỗ lực hết sức không để các bệnh nhi chờ ghép gan phải "bơ vơ" như thời gian vừa qua.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã gửi công văn đề nghị Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hỗ trợ trong việc giải quyết việc lấy tạng người lớn khi phẫu thuật để hiến cho trẻ.
Đồng thời, sẽ thông báo việc ghép gan trở lại công khai, để phụ huynh có thể đưa trẻ trở lại điều trị nếu có nhu cầu. Song song đó, đơn vị cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ chi phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Sau ca ghép này, dự kiến thứ 6 tuần này (30/6), Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục phẫu thuật ghép gan cho một bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, nhận gan hiến từ mẹ ruột.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 bị trì hoãn phẫu thuật ghép gan từ tháng 10/2022 do các bác sĩ gặp khó khăn về các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn; Bệnh viện có số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa.
Nếu nghiêng về một chuyên ngành nào, kể cả ghép tạng, sẽ ảnh hưởng tiến độ phẫu thuật của các bệnh lý cấp bách khác. Cuối cùng là thiếu nguồn tạng để cấy ghép.
Bệnh viện đã xây dựng đề án ghép tạng trẻ em độc lập, chờ Sở Y tế TP.HCM thẩm định, sau đó sẽ trình Bộ Y tế thông qua để đưa vào hoạt động 2 phòng mổ mới xây phục vụ ghép tạng của bệnh viện.
Ghép gan là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong các loại ghép tạng. Bệnh viện Nhi Đồng 2 là bệnh viện nhi khoa duy nhất khu vực phía Nam triển khai kỹ thuật ghép gan cho trẻ.
Ca ghép gan đầu tiên tại đây diễn ra năm 2005, từ đó mỗi năm ghép 1-2 ca. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 30 trẻ nhỏ bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép gan, con số tích lũy đến nay là hơn 70 bệnh nhi. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, trung bình mỗi tháng sẽ có 2 trẻ tử vong.