| Hotline: 0983.970.780

Mê Linh còn hàng trăm héc ta chờ nước đổ ải

Thứ Tư 20/02/2019 , 09:50 (GMT+7)

Đến nay các huyện, thị ở Hà Nội cơ bản đã lấy đủ nước sản xuất lúa; riêng huyện Mê Linh, nhiều xã vẫn chưa có nước để gieo cấy.

Ruộng khô khát

Theo kế hoạch, vụ xuân 2019, Mê Linh sẽ gieo trồng khoảng 4.700 lúa. Hiện một số nơi chỉ lấy được 50% lượng nước như xã Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Đại Thịnh… Nhiều cánh đồng chưa được cày bừa, ruộng còn cuống rạ, đất nứt nẻ, kênh mương nội đồng trơ đáy...

15-36-36_nh_1
Nhiều thửa ruộng không có nước

Gia đình bà Trần Thị Chắt (xã Tiến Thịnh) có hơn một mẫu ruộng, nhưng chỉ mới cấy được 2 sào, còn lại ruộng phơi khô. Bà Chắt chia sẻ: “Chúng tôi bây giờ chỉ mong nước về để cấy cho kịp thời vụ. Bơm nước giếng thì không đủ tưới, cũng không đủ trả tiền xăng, tiền cày bừa. Ngày nào gia đình tôi cũng ra túc trực ở đây để lấy nước. Nếu có nước, đêm cũng phải nhổ mạ, ra cấy”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất, ông Đàm Mạnh Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thịnh cho hay, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã phụ thuộc vào sông Hồng và sông Cà Lồ. Tuy nhiên, hiện mực nước ở cả 2 sông này đều ở mức thấp khiến trạm bơm Thanh Điềm (trạm bơm tưới chính trên địa bàn xã) bị tê liệt. Xã cũng bố trí 2 trạm dã chiến bơm từ hồ chứa nước thôn Yên Thị, để tiếp tục đổ ải. Trạm bơm hồ Kỳ Đồng đã đạt 80% diện tích đổ ải gieo cấy.

“Trên địa bàn xã Tiến Thịnh có 7 thôn, 4 thôn đã đổ ải xong. Trong thời gian tới, tiếp tục vận hành 2 trạm bơm này, đảm bảo cố gắng trong khung thời vụ gieo cấy. Người dân đang rất nóng ruột. Chúng tôi tập trung toàn bộ máy bơm, tận dụng nguồn nước hiện có để khai thác triệt để, phấn đấu đến hết tháng 2 là cấy xong”, ông Trường cho biết.

Được biết, ngày 14/2, xã Tiến Thịnh đã vận hành 8 máy bơm dã chiến lấy nước từ các hồ tự nhiên để bơm vào các xứ đồng. Đến ngày 15/2, hơn 50% diện tích ruộng đã có nước, phục vụ bà con làm đất và gieo cấy.

Tương tự xã Tiến Thịnh, tại xã Tam Đồng, nhiều cánh đồng cũng không có nước, nhiều thửa ruộng cày bừa nham nhở. Thậm chí một số ruộng, nước không đến được, máy không cày được, người dân phải dùng cuốc. Có những hộ đã cày khô trước, khi nước về, chỉ bừa là cấy luôn. Hơn nữa, để rút ngắn thời gian, hễ nước đến đâu, người dân cày bừa, cấy đến đó.

15-36-36_nh_2
Nước đến đâu, người dân cày bừa đến đó

Bà Nguyễn Thị Đựng, thôn Vân Lôi (Tam Đồng) có 1,2 mẫu, mới cấy được 1/3 diện tích. Bà Đựng ngán ngẩm: “Nước về chỉ được 20-30% diện tích thôi. Dù có thông báo xả nước, nhưng đến giờ phút này sông vẫn khô, tôi vẫn trực nước. Hiện máy bơm không hút được, không biết làm kiểu gì. Các năm thì cấy đồng cao trước, rồi xuống đồng trũng, nhưng năm nay đồng trũng cũng cạn. Hiện giờ mạ chờ ruộng. Mạ tốt rồi, thời tiết quá thuận lợi nhưng ruộng vẫn khô trắng hết. Tôi thế còn may, như các gia đình khác chưa cấy được đám nào”.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Chủ tịch HTX Vân Lôi cho rằng, địa phương không có chỗ tích nước, ngoài những thửa ruộng sâu, trũng cũng đã tháo ra cấy. Nếu những vùng cao, nước không có thì sử dụng máy dầu bơm trực tiếp.

15-36-36_nh_3
Máy không cày được, người dân phải cuốc

Ông Nhã giãi bày: “Hiện thôn mới có 100ha chủ động gieo cấy được, còn 151ha vùng ven chưa có nước. Năm nay thời tiết ấm, mạ lên đẹp nên bà con sốt sắng cấy nhanh. Bắt đầu từ tối hôm qua nước mới về, sáng nay chúng tôi bơm vào ruộng. Cứ theo tiến độ này, khoảng 1 tuần nữa sẽ hoàn thành việc gieo cấy. Vụ xuân là vụ chính, nhất định không để dân bỏ ruộng. Muộn thì muộn nhưng cũng phải cấy hết”.
 

Huy động toàn bộ nhân lực

Trước tình hình thiếu nước sản xuất, từ ngày 14/2, Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Mê Linh đã lắp đặt và vận hành hàng chục máy bơm dã chiến, công suất 1.000m3/h/máy. Bên cạnh đó, Cty huy động hết nhân lực, vật lực túc trực, vận hành máy liên tục 24/24h để kịp thời cấp nước phục vụ làm đất và gieo cấy cho bà con nông dân.

Theo Cty Thủy lợi Mê Linh, đến nay diện tích có nước gieo cấy khoảng 4.000ha, đạt 80%. 2 đợt xả trước, huyện không lấy được nước, chỉ lấy qua trạm dã chiến, nên lượng nước rất thấp.

Ông Lưu Thành Quang, Phó Tổng giám đốc Cty Thủy lợi Mê Linh nhận định: “Nếu xả nước như 2 đợt trước, thì có 3.000ha ruộng của huyện Mê Linh thiếu nước. Chúng tôi đã huy động nhân lực, vật lực lo lấy nước cho đợt 3 này. Chỉ cần duy trì mức nước tại Thanh Điềm trên +2m đến cuối tháng 2, toàn bộ diện tích sẽ đủ nước gieo cấy. Nếu mực nước sông Hồng tụt xuống +1,5m thì coi như trạm Thanh Điềm bị treo luôn”.

15-36-36_nh_4
Những vùng có nước, người dân tận dụng cấy nhanh

Nhằm sớm khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ và đẩy nhanh tiến độ sản xuất, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo Cty Thủy lợi Mê Linh phối hợp với các xã, thị trấn tập trung bơm nước tưới cũng như tích trữ nước trong ao hồ, kênh mương trên địa bàn. Đồng thời, vận động nông dân tích cực gieo cấy lúa xong trong tháng 2.

Ông Phùng Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đồng cho biết: “Tổng diện tích gieo cấy của xã 440ha. Trước 15/2 chỉ có 20-30% diện tích có nước, đến giờ thì lên khoảng 60%. Thôn Cư An đã gieo cấy xong trước tết; thôn Nam Cường, Vân Nôi đang đổ ải trên 50% diện tích. Dự kiến đến hết tháng 2 gieo cấy xong”.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm