Mô hình trồng rau sạch thủy canh ở TP Cần Thơ |
Gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; Các nhà khoa học các trường Đại học Cần Thơ và chuyên gia viện nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự.
Các ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề việc triển khai Nghị quyết 120; những khó khăn vướng mắc cùng các đề xuất tháo gỡ để các chính sách nhanh chóng đi vào thực tế hiệu quả. Trọng tâm nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề khẩn cấp về lũ, sinh kế trong mùa lũ; nguy cơ nước kém phù sa, mặn xâm nhập, sụp lún đất…và nhất là trong điều kiện ĐBSCL đang đối mặt thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Qua đó điểm nhấn từ các mô hình kinh tế nông nghiệp trong vùng thích ứng BĐKH trong điều kiện được các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích, đánh giá cao theo hướng phát triển bền vững.
Tại hội thảo, tổng kết Chương trình Mekong Xanh giai đoạn 1, Ban biên tập Báo Tuổi trẻ nhấn mạnh: Chương trình xuất phát từ sau chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi thị sát đời sống người dân bị ảnh hưởng của BĐKH đối với vùng ĐBSCL (vào cuối tháng 9/2017) và sau đó, tháng 11/2017 Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng BĐKH.
Theo đó Báo Tuổi Trẻ đã xây dựng một kế hoạch truyền thông - Chương trình Mekong Xanh ra đời, bắt đầu triển khai từ tháng 1/2018 với nhiều hoạt động truyền thông và sự kiện, hoạt động xã hội mang tên “Cùng xây cuộc sống xanh”. Sau liên tiếp 24 số báo chuyên trang “Mekong xanh” truyền tải thông tin trực tiếp các nội dung của vùng ĐBSCL. Đặc biệt đáng chú ý hoạt động xã hội mang tên “Cùng xây cuộc sống xanh” nhằm tìm kiếm những mô hình chuyển đổi kinh tế trước những ảnh hưởng của BĐKH. Kết quả đã chọn ra được gần 30 mô hình hiệu quả, được các chuyên gia đánh giá cao. Ban tổ chức chương trình đã khảo sát, tham quan thực tế và chọn 17 mô hình trao kinh phí hỗ trợ.