Làng nghề vào vụ
Xã Côn Minh (huyện Na Rì) là thủ phủ trồng dong riềng và chế biến miến dong của tỉnh Bắc Kạn. Miến dong Côn Minh nhiều năm nay đã trở thành mặt hàng chủ lực của huyện, nức tiếng gần xa. Mỗi độ giáp Tết, Côn Minh luôn tấp nập xe cộ, cảnh buôn bán nhộn nhịp.
Vừa đến đầu làng nghề, một vài chiếc xe tải nhỏ mang biển số nhiều tỉnh khu vực phía Bắc đang tất bật bốc hàng. Vừa gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hoàng (Bắc Giang) hồ hỏi bắt chuyện. Năm nào cũng vậy, gần Tết Nguyên đán lại lái xe ngược lên Côn Minh để chở miến về xuôi bán.
"Miến dong Côn Minh hay miến dong Na Rì đã định hình được thương hiệu nên tiêu thụ khá nhiều dịp Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, mưa ít nên miến có chất lượng tốt, số lượng dồi dào", anh Hoàng vui vẻ chia sẻ.
Theo con đường nhựa uốn lượn qua những bản làng, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Hoàng Thị Đông, thôn Bản Cuôn (xã Côn Minh). Những ngày này, toàn bộ sân của gia đình dùng để phơi miến, trong nhà miến dong xếp chật kín trong phòng, lối đi lại.
Có khách đến nhà, chị Đông hồ hởi giới thiệu nghề làm miến của gia đình. Từ tháng 10 đến nay, mỗi ngày gia đình làm được khoảng 30kg miến khô, từ tháng 11 đến bây giờ làm được hơn 2 tấn miến.
“Miến dong của gia đình làm theo phương pháp truyền thống, tráng bằng tay nên giữ được nét đặc trưng của miến dong bản địa. Năm nay trời ít mưa nên rất thuận lợi để phơi miến, sợi miến cũng có chất lượng tốt. Dù bây giờ nhiều gia đình, cơ sở đã chuyển sang tráng bằng máy nhưng riêng miến dong thủ công vẫn được nhiều người ưu chuộng nên gia đình vẫn làm theo cách cũ”, chị Đông chia sẻ.
Chị Đông cho biết, trước đây thường bán miến cho các tiểu thương ở miền xuôi lên mua, nhưng bây giờ chủ yếu quảng cáo và bán trên mạng xã hội. Khách họ đặt rồi mình chuyển xe khách, những ngày cận Tết đơn hàng tăng cao nên phải làm cả ngày lẫn đêm.
Làng nghề miến dong Côn Minh có khoảng 50 hộ chuyên làm miến, trước đây các gia đình thường trồng cây dong riềng rồi tự nghiền bột, nhưng vài năm gần đây, nhiều hộ mua củ dong ở vùng lân cận. Lý giải cho sự thay đổi này, nhiều hộ làm miến ở đây cho biết, hiện nay thanh niên đi làm công nhân ở tỉnh xa nên thiếu nhân lực, vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp.
Ông Nông Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết, năm 2024 người dân trong xã trồng được 30ha cây dong riềng, không đạt so với 50ha theo kế hoạch. Vùng trồng dong riềng thu hẹp dẫn đến người dân trong xã phải đi sang các xã lân cận mua củ dong về làm miến.
“Dịp cuối năm, nhu cầu tăng cao, các hộ đang làm ngày làm đêm, thuê thêm nhân lực để kịp giao hàng cho khách. Người dân trong xã đã có kinh nghiệm làm miến mấy chục năm nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho vụ miến Tết năm nay”, ông Hoàng cho biết thêm.
Giữ hương vị miến dong truyền thống
Nghề làm miến dong ở Côn Minh có lịch sử hình thành vài chục năm, theo nhiều cụ cao niên, nghề làm miến ở đây bắt nguồn từ những hộ ở miền xuôi lên đây sinh sống. Miến dong Côn Minh có hương vị thanh mát, sợi miến mềm, dẻo, có được hương vị độc đáo này là nhờ sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ bột dong.
Để làm ra loại miến thơm ngon này, củ dong riềng được nghiền để lấy tinh bột, sau đó hòa tinh bột vào nước và lọc nhiều lần để loại bỏ sạn và tạp chất. Tiếp đến, người làm miến khuấy một phần bột dong, trộn với bột sống rồi đem đi tráng thành bánh. Bánh được đem đi phơi rồi đưa vào máy để cán thành sợi miến. Do làm từ nguyên liệu nguyên chất nên miến dong không có màu trắng trong như các loại miến khác mà sợi miến hơi đục. Khi nấu sợi miến dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của củ dong, không bị bở.
Gia đình bà Hoàng Thị Tông, thôn Lủng Vạng (xã Côn Minh) đã có thâm niên gần 2 chục năm làm miến. Theo bà Tông, để có sợi miến ngon quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào, củ dong riềng phải được thu hoạch đúng khung thời vụ mới có hàm lượng tinh bột cao. Tiếp theo, khi thu hoạch củ dong về phải nghiền thành bột ngay để bảo quản, nếu để củ dong quá lâu mới nghiền sẽ làm giảm chất lượng bột.
"Tuyệt chiêu" của người làm miến dong Côn Minh là ở chỗ có phương pháp pha bột và tráng miến theo kiểu truyền thống. Dù mỗi nhà đều có có bí kíp riêng nhưng tất cả đều giữ nguyên hương vị đặc trưng của củ dong, chính điều này đã tạo nên được thương hiệu riêng của loại miến dong này.
Bây giờ, hầu hết cơ sở đã dùng máy móc để tráng bánh nhưng cũng có nhiều hộ gia đình vẫn tráng bánh thủ công. Dù tráng bằng cách nào thì vẫn giữ nguyên cách pha bột nên không có nhiều khác biệt về chất lượng sợi miến, bà Tông chia sẻ.
“Nhiều năm nay, gia đình đặt làm bao bì ở dưới Hà Nội nên gói miến nhìn đẹp mắt, đầy đủ thông tin sản phẩm, nhờ đó khách hàng tin tưởng hơn. Năm nay, ngoài bán miến cho các thương lái là khách quen, gia đình cũng quảng bá và bán qua mạng xã hội được khá nhiều. Để đảm bảo các đơn hàng, lúc tráng bánh gia đình phải thuê thêm 8 nhân công làm việc liên tục”, bà Tông cho biết.
Những ngày cận Tết, dọc tuyến Quốc lộ 3B đi qua xã Côn Minh tấp nập xe cộ chở miến. Trên những bản làng, bếp tráng miến đỏ lửa ngày đêm, hứa hẹn một mùa miến bội thu, đời sống nhân dân nhờ đó cũng ngày càng khấm khá, đón Tết ấm cúng, no đủ.
“Làng nghề miến dong Côn Minh có khoảng 50 hộ làm miến. Miến dong là mặt hàng chủ lực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, khá giả. Trên địa bàn xã cũng có HTX Tài Hoan, sản phẩm miến dong của HTX này đã đạt OCOP 5 sao, xuất khẩu sang thị trường châu Âu”, ông Nông Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết.