Trong đời sống đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên và miền tây các tỉnh Nam Trung bộ nói chung, đồng bào H’rê nói riêng, rượu cần gắn liền với các sinh hoạt xã hội, tình cảm, tâm linh của từng gia đình cũng như cả cộng đồng. Rượu cần là lễ vật dâng cúng thần linh, giao tiếp với bạn bè, hẹn hò, nhắn nhủ, giao kết tình duyên.
Để làm được một ché rượu, người ta phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu, đến cách thức chế biến, tính toán thời gian đem ra sử dụng cho phù hợp.
Rượu cần có thể làm quanh năm nhưng nguyên liệu để làm men rượu thì chỉ có thể tìm kiếm và chế biến trong một thời hạn nhất định. Mỗi dân tộc sử dụng một thứ lá cây, củ, rễ khác nhau để làm men rượu. Người H’rê ở Quảng Ngãi dùng vỏ và củ cây kơ-xi-blo (dây men), một loại dây rừng, có gai mềm và bò lan trên đất tựa dây trầu không. Người ta vào rừng, hái dây kơ-xi-blo đem về sao khô, giã nhỏ với củ gừng, sau đó đem trộn chung với bột gạo rồi vắt thành nắm như quả trứng gà. Những nắm men này có thể dùng liền hoặc phơi khô để dành dùng quanh năm. Thời điểm đi vào rừng tìm cây kơ-xi-blo là khoảng tháng 11 - 12 dương lịch và đây là nhiệm vụ của người phụ nữ.
Quy trình, cách thức làm rượu của các dân tộc tương đối giống nhau với nguyên liệu chính là gạo nếp, gạo tẻ hoặc bắp, mì... tùy khả năng kinh tế và sở thích của từng gia đình.
Trước tiên người ta nấu cơm cho vừa chín tới, rồi đem rải ra nong cho nguội bớt, chỉ còn vừa ấm. Nếu là củ mì (sắn) thì nấu cho củ chín rồi dùng dao thái nhỏ từng thỏi bằng ngón cái chân, dài chừng hơn ngón tay. Công đoạn tiếp theo là đem men rượu đã giã nhỏ trộn đều với cơm, mì hoặc bắp rồi cho vào gùi để ủ trong 3 ngày. Thích uống ngọt thì cho vừa men; thích uống đắng thì cho già men hơn một chút. Khi cơm rượu đã dậy mùi thì cho vào ché. Đáy ché đã được lót sẵn một lớp lá ngũ sắc (đồng bào H'rê gọi là lá sắc). Lớp lá này có tác dụng ngăn không cho bã rượu chạy vào cần hút. Đến đây, việc làm rượu đã xong, người ta dùng lá chuối bịt kín miệng ché để giữ mùi thơm. Khoảng 7 - 10 ngày sau là có thể đem ra dùng. Rượu làm bằng gạo có thể để lâu, có khi còn đem chôn xuống đất cho thêm ngon; Rượu mì hoặc bắp thường chỉ dùng trong khoảng 15 ngày đến 1 tháng. Để lâu rượu có vị đắng, ít ngon, khi hút bã rượu rã ra và chui vào lỗ cần, làm mất hứng thú.
Các ché rượu sau khi đã bịt miệng, gia chủ đem xếp vào góc nhà, chỗ ngủ, dựa vào cột. Nếu là ché rượu quý (dùng đãi khách đặc biệt hoặc dâng cúng trong cuộc lễ quan trọng) thì người ta để riêng bên cây cột thiêng phía đông. Những ché khác, dựng 4 ché quanh 1 cây cột thường.
Để uống rượu, người ta dùng những chiếc cần rượu để hút. Người H’rê dùng cây triêng để làm cần và cắm nhiều cần vào ché rượu. Khi uống, chủ và khách ngồi quanh ché rượu, chủ nhà đứng lên rút một cọng tranh trên mái nhà cắm vào ché, tượng trưng cho nghi thức mời Giàng và tổ tiên uống trước. Sau đó, ông ta đổ thêm nước vào ché. Đổ nước đầy là khách quý, nước chỉ mới lưng chừng là khách thường. Tiếp theo, chủ nhà cắm các cần rượu, mỗi khách một cần. Vị khách uy tín nhất trong cuộc rượu được chủ nhà mời trước bằng tay trái, khách nhận cần rượu bằng tay phải. Tiếp theo là những người khách. Chủ nhà là người cuối cùng cầm cần rượu.
Khi mọi người đã cầm cần rượu, vợ chồng chủ nhà đặt tay lên miệng ché và nói 2 lần "Rượu này mang đến cho người anh em nhiều sức lực, gặp nhiều may mắn". Tiếp đến hai vợ chồng hút qua cần rượu của mình một ngụm rượu rồi nhổ đi. Lại lần lượt làm như thế với cần rượu của khách. Điều này là muốn chứng tỏ thiện ý của chủ nhà: Rượu ngon, không độc.
Khách đáp lễ, cũng bằng cách hút và nhổ bỏ ngụm rượu đầu tiên qua cần rượu của mình.
Đến đây cuộc rượu bắt đầu.
Trong lúc uống, nếu chủ nhà muốn mời một vị khách nào đó uống nhiều hơn thì ông ta xin phép đổi cần rượu cho khách và đổ thêm nước vào ché. Đổ bao nhiêu thì khách uống bấy nhiêu để tỏ lòng thân ái, quý trọng lẫn nhau. Những người khác muốn mời riêng bạn mình uống rượu cũng làm như vậy. Khi rượu loãng, thay ché rượu khác thì mọi thủ tục ban đầu được lặp lại.
Đã có bài thơ rất hay của một nhà thơ nữ người dân tộc H'rê về tục uống rượu cần của đồng bào miền tây Quảng Ngãi:
... Rượu không rót bằng bát
Chỉ bằng ống triêng rừng
Để miệng mút dấu miệng
Để tay cầm dấu tay...
Rượu có vị ngọt mật ong vách đá
Có vị chua măng trúc, măng vầu
Có cay đắng nỗi ghen chồng, ghen vợ
Có men say ngất ngưởng trai gái yêu nhau
Rượu thắp lửa tình
Say đổ tràn tình mà say ...
(Nga H'vê - "Uống rượu ở Sơn Tây")
Bạn đã vít cần rượu đắm say với đồng bào Thái, đồng bào Mường ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa? Bạn đã ngồi bên ché rượu thâu đêm với người Ba Na, M’Nông trong bập bùng lửa hội Tây Nguyên? Sao không thử một lần về với núi rừng miền tây Quảng Ngãi, ngồi với những người anh em H’rê trong căn nhà sàn gỗ, nghe xăng éo (trai chưa vợ) bay bổng nhịp chiêng ba, mềm môi rượu cần vì lời mời con yên (gái chưa chồng) ngọt ngào, say đắm. Người H’rê hiếu khách, mời rượu cần không đợi ngày có hội, không đợi tết H’Ten (lễ hội đầu mùa). Có khách quý là có hội về nhà. Câu nói chân tình nhất mực ấy có quyến rũ bạn về không?