| Hotline: 0983.970.780

Miền Đông đủ nước, miền Tây lo thiếu

Thứ Hai 18/11/2019 , 08:34 (GMT+7)

Những tháng cuối cùng của năm 2019, trong khi Đông Nam Bộ không lo thiếu nước tưới thì Tây Nam Bộ bước vào mùa khô với nguồn nước khá thấp.

09-05-54_du_n_thuy_loi_-_bi_8
Hồ Suối Giai ở Bình Phước.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, tổng lượng mưa trung bình toàn vùng Đông Nam Bộ từ đầu năm đến ngày 07/11/2019 khoảng 1.933 mm, cao hơn khoảng 3,4% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ.

Đến đầu tháng 11, dung tích trữ trung bình các hồ chứa ở Đông Nam Bộ còn lại khoảng 83% dung tích thiết kế (DTTK). Trong đó: Bình Dương (84%); Bình Phước (83%); Tây Ninh (88%); Đồng Nai (92%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (67%).

Trên lưu vực dòng chính sông Đồng Nai, tổng dung tích trữ thiết kế của các công trình trên khu vực là 375,95 triệu m3 . Nguồn nước trong các hồ chứa tính đến thời điểm ngày 07/11/2019 ở mức khá so với DTTK, với tổng dung tích trữ hiện tại là 274,65 triệu m3 (đạt 73,05% DTTK). Tổng dung tích trữ các hồ chứa xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 và TBNN, nhưng cao hơn so với năm 2016.

Trên lưu vực sông Sài Gòn, tổng dung tích trữ thiết kế của các công trình trên khu vực là 1.620 triệu m3. Nguồn nước trong các hồ chứa tính đến thời điểm ngày 07/11/2019 ở mức khá so với DTTK, với tổng dung tích trữ hiện tại là 1.426,95 triệu m3 (đạt 88,07% DTTK). Tổng dung tích trữ các hồ chứa thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn cùng kỳ năm 2018, năm 2016 và TBNN.

Trên lưu vực sông Bé, tổng dung tích trữ thiết kế của các công trình trên khu vực là 224,342 triệu m3. Nguồn nước trong các hồ chứa tính đến thời điểm ngày 07/11/2019 đa số trữ đạt DTTK, tổng dung tích trữ hiện tại là 184,17 triệu m3 (đạt 82,09% DTTK). Tổng dung tích trữ các hồ chứa thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn cùng kỳ so với năm 2018, năm 2016 và TBNN.

Như vậy, nguồn nước tích trữ ở các công trình thuộc khu vực Đông Nam Bộ sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Mùa 2019.

Hiện tại, khu vực Đông Nam Bộ đang trong mùa mưa. Với dự báo tổng lượng mưa tháng 11-12/2019 thấp hơn từ 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ từ 10-30%, tháng 11 ở mức thấp hơn TBNN từ 10-20%, tháng 1-3/2020 phổ biến xấp xỉ so với TBNN. Khả năng mùa mưa ở khu vực kết thúc tương đương với TBNN. Lượng mưa trong mùa mưa sẽ bổ sung nguồn nước cho sản xuất vụ Mùa 2019. Do đó, sẽ không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trong khu vực.

Trong khi đó, nguồn nước về khu vực Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) là khá thấp. Trên sông Mê Công, tổng lượng lũ từ ngày 01/06 đến 14/11/2019 tại Kratie là 225,55 tỷ m3, thấp hơn tổng lượng lũ TBNN (1980–2018) khoảng 96,99 tỷ m3 , thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2018, 2000, 2011, chỉ cao hơn năm lũ nhỏ điển hình 2015 khoảng 5,77 tỷ m3.

Tại Tân Châu, mực nước chịu ảnh hưởng bởi cả lũ thượng nguồn và thủy triều. Mực nước lớn nhất ngày 13/11 đạt 1,69 m thấp hơn 1,17 m so với TBNN (2,86 m), thấp hơn nhiều so với năm 2000, 2011, 2016, 2017, và 2018, và thấp hơn cả mực nước cùng kỳ năm 2015.

Tại Châu Đốc, mực nước cũng chịu ảnh hưởng bởi cả lũ thượng nguồn và thủy triều. Mực nước lớn nhất ngày 13/11 đạt 1,78 m thấp hơn 0,85 m so với TBNN (2,63 m), thấp hơn nhiều so với năm 2000, 2011, 2016, 2017, và 2018, và thấp hơn cả mực nước cùng kỳ năm 2015.

Kết quả giải đoán ảnh vệ tinh MODIS ngày 01/11/2019 cho thấy ngập trên diện rộng ở khu vực ven sông thuộc Campuchia và vùng Đồng Tháp Mười của Việt Nam. Diện tích ngập giảm so với diện tích ngập ngày 24/10. Tuy nhiên, diện tích ngập nhỏ hơn so với cùng thời kỳ năm 2018. Một số khu vực thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang xuất hiện các điểm ngập nước là do nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển.

Lũ năm 2019 ở ĐBSCL là năm lũ nhỏ nên khả năng ảnh hưởng đến hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô kế tiếp là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương tranh thủ xuống giống vụ Đông Xuân đúng lịch, nạo vét hệ thống kênh rạch nhằm tăng cường tích trữ nước, có kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi tăng cường trữ và lấy nước kịp thời, xây dựng chuẩn bị kế hoạch đắp đập tạm và phòng chống hạn mặn.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.