Khu vực trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) gồm 14 tỉnh, dân số trên 12,6 triệu người (chiếm 12,87% dân số cả nước). Trong đó, có 6 tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc với đường biên giới đất liền dài 1.375 km. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế - xã hội với nhiều tiềm năng, lợi thế về nông - lâm, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Theo thống kê mới nhất, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của các tỉnh khu vực TD&MNPB khoảng hơn 7,4 triệu người (chiếm 13,9% lao động cả nước), tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm khoảng 2,1%, tỷ lệ thất nghiệp 0,8%.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của 14 tỉnh khu vực TD&MNPB là gần 2.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 8,7% cả nước).
Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm là hơn 967 tỷ đồng, của Ngân hàng CSXH là hơn 723 tỷ đồng, nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là hơn 791 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2020, nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH tại 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc đã cho vay 11.122 dự án; hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 40.000 lao động.
Là một trong những doanh nghiệp có lượng lao động nhiều nhất trong tỉnh Cao Bằng, hằng năm, Công ty CP Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng tạo việc làm cho khoảng 250 lao động, lương bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, đa số các lao động đều được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm.
Ông Bế Văn Phán, Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ khi thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, lượng sản phẩm chiếu trúc bán ra giảm nhiều, số lượng chiếu trúc xuất khẩu sang Đài Loan bị giảm 30 - 50%, số chiếu trúc bán ra thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác có nhiều tháng giảm đến 90%. Việc sản phẩm bán ra bị sụt giảm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Công ty nhưng đơn vị vẫn cố gắng duy trì số công nhân hiện tại và hoạt động sản xuất.
Anh Nông Văn Tuyên, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng tâm sự: Tôi làm thuê tại một số doanh nghiệp gần nhà, nhưng từ đầu năm đến nay phải chuyển chỗ làm vì các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn buộc phải giảm số lao động. Việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình.
Bà Đặng Thị Long Biên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng thông tin: Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên số lao động mất việc khoảng 2.000 người, tăng 15 - 20% so với cùng kỳ, chủ yếu là các lao động từ các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công giảm 23%, trong khi tỷ lệ lao động đến Trung tâm nộp hồ sở hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng 18% so với cùng kỳ.
Khi thời điểm dịch bệnh có chiều hướng giảm, Trung tâm đã chia sẻ qua rất nhiều kênh, trang mạng của Trung tâm về nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp; cử cán bộ đi cơ sở để thu thập nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Tăng cường khai thác thị trường lao động trong và ngoài tỉnh; giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, bà Biên cho biết thêm.
Theo ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Lai Châu: Dịch bệnh Covid-19 đã làm nhiều lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng công việc, số mất việc làm không quá lớn nhưng cũng làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Vừa qua, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm mở Hội chợ việc làm trên địa bàn tỉnh, mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia để quảng bá nhu cầu tuyển dụng lao động, giúp người lao động tìm kiếm việc làm mới để ổn định cuộc sống.
Còn ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Lào Cai cho biết: Năm nay, có khoảng 1.500 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc cho nghỉ luân phiên. Từ quý II/2020, dịch bệnh ảnh hưởng làm ảnh hưởng lớn đến nhiều lao động tại địa phương, làm hơn 2.000 lao động mất việc, ảnh hưởng việc làm. Số lao động đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2019.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm quan tâm, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhu cầu tìm việc làm của người lao động, đặc biệt là những lao động bị mất việc làm do dịch bệnh. Tư vấn cho người lao động trong thời gian nghỉ việc có thể tìm kiếm việc làm tạm trong thời gian thiếu việc làm để có thu nhập, hoặc trong thời gian nghỉ có thể tham gia các khóa học nghề mới để có thể tìm kiếm được những việc làm khác.
Để tăng cường hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động, các ngành chức năng các tỉnh khu vực TD&MNPB cần tăng cường rà soát tình hình lao động ở cơ sở, qua đó, tuyên truyền, hỗ trợ cơ hội tìm việc làm cho người dân.
Tăng cường việc mở lại các sàn giao dịch việc làm; tiếp tục giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động về các huyện, thành phố để tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.