| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng: Hội thảo vay vốn giải quyết việc làm

Thứ Sáu 13/11/2020 , 15:27 (GMT+7)

Tại tỉnh Cao Bằng vừa diễn ra Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Toàn cảnh Hội thảo về giải quyết việc làm diễn ra sáng 13/11 tại tỉnh Cao Bằng.

Toàn cảnh Hội thảo về giải quyết việc làm diễn ra sáng 13/11 tại tỉnh Cao Bằng.

Theo báo cáo tại Hội thảo về vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm diễn ra sáng nay 13/11; tính hết tháng 6/2020, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc là gần 2.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 8,7% cả nước).

Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là hơn 967 tỷ đồng, của Ngân hàng CSXH là hơn 723 tỷ đồng, nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là hơn 791 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2020, nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH tại 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc đã cho vay 11.122 dự án; hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 40.000 lao động.

Bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn, chủ yếu ở 3 khía cạnh: Hiệu quả tạo việc làm; đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp; nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH đã khẳng định vai trò quan trọng của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ năm 1992 đến nay. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. 

Để nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ tạo việc làm của Nhà nước qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đồng thời đánh giá các quy định pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm tới đây, Cục Việc làm sẽ phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban tín dụng HSSV (học sinh sinh viên) & các đối tượng chính sách khác, tổ chức các hội thảo tại từng khu vực, nhằm đánh giá tổng thể hoạt động của chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thời gian qua và đề xuất sửa đổi trong giai đoạn tới.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐTB&XH phát biểu tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐTB&XH phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm tại các địa phương, những mặt đạt được, mặt hạn chế, khó khăn, các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH Việt Nam thông tin, những năm qua, ngân hàng đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách nói chung và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nói riêng. Đến nay đã góp phần tích cực giải quyết trên 4,3 triệu lao động có việc làm với hơn 2,8 triệu lượt khách hàng được vay vốn.

Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH đã thực hiện tốt việc cấp tín dụng chính sách cho các đối tượng thụ hưởng ở khắp các vùng miền, thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng đặc thù của mình. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngân hàng đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo ngân hàng các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, áp dụng chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay như nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm còn hạn chế, Ngân sách Nhà nước bổ sung hàng năm còn thấp.

Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của ngân hàng chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách nói chung và cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm nói riêng…

Đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH phát biểu tại Hội thảo.

Đề nghị Chính phủ cân đối, bố trí đủ nguồn lực để hàng năm cấp cho Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; đề nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi điều kiện vay vốn là nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động trên cùng một địa bàn quận, huyện thay vì trên cùng địa bàn cấp xã như hiện nay.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm.

Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, bà Chương chia sẽ thêm biết thêm.

Các đại biểu đại diện cho Sở LĐTB&XH, Ngân hàng CSXH các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc dự Hội thảo đánh giá cao hiệu quả từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng CSXH Việt Nam và các nguồn vốn vay khác trong việc giúp người dân, đơn vị có việc làm, xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ về các địa phương còn ít, trong khi nhu cầu vay vốn giải quyết tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hàng năm ngày càng lớn.

Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận tại Hội thảo.

Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận tại Hội thảo.

Các đại biểu kiến nghị các bộ, ngành trung ương cần quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng lớn của người lao động.

Ngân hàng CSXH và cơ quan liên quan đến lao động, việc làm cấp tỉnh, huyện cần tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho vay, nhiệm vụ quản lý; nâng cao nhận thức người dân, người lao động trong việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.

Triển khai hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư , hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội với hoạt động tín dụng chính sách…

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.