| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên: Buông lỏng công tác kiểm định giống

Thứ Ba 01/04/2008 , 07:00 (GMT+7)

Nhiều năm qua tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên công tác quản lý chất lượng giống cây trồng chưa được quan tâm đúng mức.

Giống lúa DB6 được kiểm định trên đồng ruộng Quảng Ngãi
Tiến sĩ Lê Quý Tường, Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón vùng miền Trung – Tây Nguyên cho biết: Công tác sản xuất, kiểm định, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng giống cây trồng trong các năm qua tại vùng miền Trung - Tây Nguyên tuy đã đạt được một số kết quả nhất định về ruộng giống cũng như chất lượng giống cây trồng góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản đạt cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên số lượng giống được kiểm định, kiểm nghiệm chưa cao so với thực tế, trong năm 2006 tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên toàn bộ diện tích giống được kiểm nghiệm mới chỉ dừng lại ở 881,8ha, trong đó 795,8ha là lúa giống, còn lại 86ha là ngô giống. Đến năm 2007 thì diện tích sản xuất giống được kiểm nghiệm là 919,7ha, trong đó có 880ha lúa giống. Trong khi đó chỉ tính riêng nhu cầu hàng năm về giống lúa trong khu vực này rất lớn, khoảng 23.000 tấn, nhưng trong năm vừa qua lượng lúa giống được kiểm định, kiểm nghiệm mới chỉ được 4.000 tấn, như vậy là còn khoảng 19.000 tấn lúa giống mà người nông dân sản xuất chưa qua kiểm định, và chất lượng giống không biết có được đảm bảo hay không?

Ông Tường bức xúc: Ngay cả các Sở NN-PTNT các tỉnh cũng còn buông lỏng công tác quản lý chất lượng giống chứ chưa nói đến các cơ sở sản xuất kinh doanh giống. Thực tế qua kiểm nghiệm, kiểm định giống của các cơ sở sản xuất giống trong năm vừa qua chúng tôi thấy có quá nhiều dòng giống không đạt yêu cầu, trong tổng số 1.388 dòng G1 được kiểm định thì có tới 78,9% không đạt yêu cầu, đối với dòng G2 có 464 dòng được kiểm định thì có tới 46,3% số dòng không đạt yêu cầu. Nguyên nhân của tình trạng này do nhiều đơn vị sản xuất giống trong vùng chưa đăng kí kiểm định với tổ chức chứng nhận, hầu hết các đơn vị chọn dòng lúa theo kinh nghiệm, ruộng sản xuất giống cách ly không đạt, đội ngũ cán bộ của các đơn vị còn nhiều yếu kém về chuyên môn, các đơn vị sản xuất giống chọn địa điểm lại chưa phù hợp, bố trí ruộng sản xuất manh mún nhỏ lẻ khiến cho công tác kiểm soát chất lượng giống rất khó khăn.

Theo báo cáo của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng và phân bón vùng miền Trung – Tây Nguyên thì trong năm 2007 chỉ có 16 trong tổng số 27 cơ sở sản xuất kinh doanh giống khu vực miền Trung – Tây Nguyên đăng ký kiểm định đồng ruộng, tuy nhiên các cơ sở đăng ký kiểm định này lại không đều, có đơn vị chỉ đăng ký kiểm định một diện tích rất nhỏ so với thực tế. Trung tâm Giống cây trồng Vật nuôi Quảng Ngãi, một đơn vị làm tốt công tác kiểm định diện tích sản xuất giống hàng năm với diện tích lên tới 334,8ha.

Ông Đoàn Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm này bức xúc: Rõ ràng đơn vị chúng tôi chấp hành công tác kiểm định chất lượng giống để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng tôi phải bỏ kinh phí để làm công tác kiểm định, nếu các đơn vị khác không làm hoặc làm không tốt và như vậy tạo ra một sân chơi không công bằng vì chi phí giá thành của chúng tôi cao hơn so với các đơn vị khác.

Giống có vai trò quyết định tới thành công hay thất bại trong sản xuất, nhưng rõ ràng công tác quản lý chất lượng giống chưa được các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên quan tâm.

Xem thêm
Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Sáng 9/1, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2025.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.