Thời gian qua, Bình Định có khoảng 15.000 lao động từ các tỉnh, thành ở miền Nam về quê tránh dịch Covid-19 được địa phương lo việc làm như lo cho gia đình mình.
“Khát” một việc làm
Anh Nguyễn Tấn Linh (21 tuổi) ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) rời quê vào TP. HCM học nghề pha chế cà phê, làm việc tại quán chưa được bao lâu thì thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, hàng quán ngưng hoạt động, vậy là Linh lâm cảnh thất nghiệp.
Không làm việc nhưng không thể không ăn, thế nên Linh nhờ bạn kiếm cho một chân phụ thợ cửa sắt để kiếm tiền đắp đổi qua ngày, mong dịch sớm lắng dịu để quay lại với công việc cũ. Không ngờ dịch càng ngày càng căng thẳng, công việc phụ thợ cửa sắt cũng không giữ được, nên Linh buộc phải về quê để vừa tránh dịch, vừa tránh những tháng ngày bất định phía trước.
Tình cảnh của vợ chồng chị Huỳnh Thị Diệp ở xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) còn bi đát hơn. Mấy năm nay, vợ chồng chị Diệp vào TP. HCM buôn bán trái cây rong nên cuộc sống gia đình khá ổn định. Dịp hè vừa qua, chị Diệp đón 2 đứa con nhỏ, một đứa đang học lớp 5, một đứa học lớp 7, vào TP HCM sum họp với ba mẹ vài tháng rồi về nhập học. Nào ngờ 2 đứa con mới vào chưa bao lâu thì TP. HCM bùng phát dịch. Tính đến nay đã gần 4 tháng vợ chồng chị Diệp bị thất nghiệp, nguồn thu nhập từ nghề buôn bán trái cây bị đứt gãy khiến bụng dạ vợ chồng chị "nóng như lửa đốt".
“Đợt này vợ chồng tôi có 2 con nhỏ phải về quê nhập học nên được tỉnh Bình Định ưu tiên đón về miễn phí. Mong sao dịch bệnh yên ổn, TP. HCM sớm cho mua bán trở lại, vợ chồng tôi sẽ quay vào tiếp tục làm ăn như trước nay. Nghề buôn bán trái cây lúc xã hội đang ổn định cho thu nhập khá, nhờ nghề đó mà mấy năm nay vợ chồng tôi có tiền nuôi 2 đứa con ăn học và lo mọi chuyện trong gia đình. Nếu dịch bệnh tiếp tục hoành hành, bí lắm thì vợ chồng tôi đành ở lại quê kiếm việc gì đó tại ngay quê nhà làm kiếm ăn”, chị Diệp tâm sự.
Tạo mọi cơ chế, chính sách để có việc làm mới
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Bình Định, tính đến nay, đã có khoảng 25.000 người từ các tỉnh, thành miền Nam về quê tránh dịch, trong đó có khoảng 15.000 người trong độ tuổi lao động. Thời điểm người về nhiều nhất là trong tháng 7 tháng 8 vừa qua, có ngày Bình Định tiếp nhận đến 1.000 người.
“Số người trong độ tuổi lao động sau khi hết thời gian cách ly theo quy định, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các địa phương bố trí, sắp xếp và tạo công ăn việc làm để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho họ. Thời điểm lao động về quê tránh dịch đang lúc Bình Định thu hoạch vụ lúa hè thu, tiếp đến là sản xuất vụ mùa nên tạm thời họ làm ruộng giúp đỡ gia đình”, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay.
Đối với những người mua bán nhỏ, UBND tỉnh Bình Định đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 50 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, hộ mua bán nhỏ. Đến nay, đã có gần 450 hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay để làm ăn, đã có hơn 20 tỷ đồng đến tay hộ dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Bình Định đang yêu cầu các địa phương báo cáo về công tác hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, đặc biệt là hướng giải quyết người lao động về quê không có việc làm. Bình Định sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp, nếu cần thiết phải bổ sung thêm chính sách để hỗ trợ người lao động, tạo công ăn việc làm.
“Hiện các tỉnh, thành phía Nam đang kêu gọi lao động về quê tránh dịch quay lại làm việc sau khi dịch bệnh yên ổn, để doanh nghiệp không bị đứt gãy nguồn nhân lực khi hoạt động trở lại. Theo nhu cầu của lao động, Bình Định luôn tạo điều kiện để bà con trở lại thành phố tiếp tục làm việc. Nhưng nếu lao động có nhu cầu ở lại quê làm việc, tỉnh sẽ có chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm mới cho người lao động”, ông Lâm Hải Giang.