| Hotline: 0983.970.780

Mịt mờ trách nhiệm!

Thứ Năm 11/05/2017 , 09:30 (GMT+7)

Như NNVN đã thông tin, tháng 3/2017 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên đã ban hành Quyết định đình chỉ vụ án...

Vụ việc Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên buộc phải đình chỉ vụ án đối với bị can dù đối tượng đã ra đầu thú sau 21 năm trốn truy nã đã có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa thể làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân nào.
 

Hồ sơ chưa chuyển sang tòa án?!

Như NNVN đã thông tin, tháng 3/2017 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên đã ban hành Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Chu Văn Lâm và Lưu Văn Phong. Hai bị can bị truy tố về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy” vào năm 1990. Trong đó, bị can Chu Văn Lâm đã bị Công an TP Thái Nguyên phát lệnh truy nã từ năm 1995.

Nhưng đến khi Chu Văn Lâm ra đầu thú, thì Viện Kiểm sát Nhân dân TP Thái Nguyên lại buộc phải đình chỉ vụ án vì không tìm thấy hồ sơ gốc.

PV NNVN đã tiếp tục đi gặp gỡ những người liên quan để tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh (Chánh án Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên) cho biết, cơ quan này cũng đã họp lãnh đạo, họp toàn thể cơ quan để triển khai công việc liên quan đến vụ việc trên.

05-57-04_1
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (Chánh án Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên) khẳng định, hồ sơ vụ án chưa được chuyển sang Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên

“Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ văn thư, văn phòng và bộ phận hình sự rà soát kiểm tra toàn bộ những tài liệu, hồ sơ, sổ sách có liên quan đến vụ án Chu Văn Lâm. Tuy nhiên, qua kiểm tra sổ sách, hồ sơ có thể khẳng định hồ sơ đó chưa được chuyển đến Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên”, ông Ánh nói.

Nội dung trên, lãnh đạo Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên đã báo cáo tại hội nghị liên ngành nội chính của tỉnh. Chánh án Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên khẳng định lại một lần nữa: “Về mặt quan điểm, chúng tôi ủng hộ trong quá trình giải quyết nếu có công việc gì cần phối hợp liên ngành để truy tìm tài liệu hồ sơ trên thì chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện. Tuy nhiên, như đã khẳng định, hồ sơ vụ án Chu Văn Lâm chưa được chuyển sang Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên”.
 

Không đồng ý tạm tha, sao vẫn thả người?

Ông Bùi Huy Lập nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên thời kỳ những năm 90 đã xác nhận, người được phân công thụ lý vụ việc là ông Ngô Thanh Hải - kiểm sát viên sơ cấp. Nay ông Hải đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

05-57-04_2
Ông Bùi Huy Lập (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên)

Ông Lập khẳng định bản thân mình là người ký cáo trạng truy tố các bị can nhưng sau đó lại có “điều lạ”.

Ông Lập cho biết: “Cái lạ là sau đó lại có đề xuất cho hai bị can được tại ngoại. Tôi nhớ là anh Ngô Thanh Hải khi đó không nhất trí cho tạm tha, sau đó đã đề xuất để ông Thành (ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên) ký. Nhưng không hiểu vì sao sau đó 2 ngày, hai đối tượng lại được tạm tha”.

Theo ông Lập, điều kỳ lạ là lệnh giam có, công văn đề nghị tạm tha còn, bút tích không nhất trí đề nghị tạm tha vẫn lưu giữ nhưng sau đó hai đối tượng vẫn được thả dù đến nay không tìm thấy lệnh tạm tha.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên cho rằng bản thân mình chỉ tham gia vào vụ án khi ký vào đề nghị không đồng ý tạm tha cho các bị can.

05-57-04_3
Ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên thắc mắc và nghi vấn về uẩn khúc tại sao 2 bị can của vụ án lại được tạm tha

“Khi đó, anh Hải có viết đề xuất là không đồng ý tạm tha, tôi ký vào đó. Nhưng không hiểu sao sau 2 ngày thì các đối tượng lại được tha. Mà không biết có lệnh tha hay không nữa, ai cho tạm tha? Trong khi đó, khi cần bắt hay tha đối tượng đều phải xin lệnh trừ trường hợp bắt khẩn cấp hay bắt quả tang, sau đó Viện Kiểm sát mới phê chuẩn”, ông Thành đặt nghi vấn.

Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Thái Nguyên tiếp tục đặt ra những câu hỏi mà đến nay chưa có lời giải đáp.

“Tôi nhớ là một bị can ở Hà Tĩnh thì không thể tha được, còn bị can ở Thái Nguyên thì có thể tạm tha được, lúc bấy giờ gọi là lệnh tạm tha. Vì lúc bấy giờ khó khăn lắm, tạm tha cho những bị can ngoại tỉnh mà xử thì tốn kém lắm, không có người, không có phương tiện đi bắt. Bút tích không đồng ý cho tạm tha vẫn còn. Tại sao tha được đối tượng khi không có lệnh? Sau đó, công an phát lệnh truy nã thì cũng phải có hồ sơ chứ?”, ông Thành nói.

Đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên và Cục Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã vào cuộc điều tra vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa thể làm rõ những uẩn khúc.

NNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất