Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quyết định 2284 về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác cát sỏi lòng sông tại mỏ cát Vàm Cái Thia (thuộc xã Hòa Khánh và Mỹ Lương, huyện Cái Bè).
Tổng diện tích đất mặt nước khai thác là 16,6ha. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác gồm trữ lượng địa chất cấp 122 là 291.239m3, trữ lượng đất bóc tầng phủ trong khai thác là 113.771m3.
Phương án khai thác mỏ cát Vàm Cái Thia chỉ thực hiện ở độ sâu cote-20m, sử dụng công nghệ xáng cạp (4 chiếc) kết hợp xà lan. Trong đó, có 2 xáng cạp dung tích gầu 2,5m3 để khai thác cát và 2 xáng cạp dung tích gầu 5m3 để khai thác đất bóc tầng phủ.
Quyết định 2284 của UBND tỉnh Tiền Giang cũng quy định cụ thể về công tác bảo vệ phục hồi môi trường, các hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường, các phương án xử lý nước thải, chất thải, khí thải phát sinh, tác động bồi lắng, xói lở, giao thông thủy. Đặc biệt khai thác mỏ cát phải cách bờ sông Tiền tối thiểu 200m, khi xảy ra sạt lở bờ sông phải dừng ngay hoạt động khai thác cát.
Đây là mỏ cát thứ 2 ở tỉnh Tiền Giang khai thác phục vụ các công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó ngày 9/10, mỏ cát Hòa Hưng 5 tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã khởi động theo hình thức chỉ định chủ mỏ (không đấu giá) phục vụ dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Việc tổ chức khai thác các mỏ cát trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang để phục vụ nhu cầu ngành xây dựng là cần thiết. Người dân địa phương đề nghị ngành chức năng và đơn vị khai thác các mỏ cát quan tâm vấn đề sạt lở bờ sông đồng thời công tác cấp mỏ cát cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật hiện hành.