| Hotline: 0983.970.780

Mở cửa ô tô gây tai nạn có thể bị phạt lên tới 22 triệu đồng

Thứ Ba 31/12/2024 , 14:44 (GMT+7)

Hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở gây tai nạn giao thông sẽ bị tăng phạt từ 36-50 lần, ở mức từ 400.000 - 600.000 đồng thành 20 - 22 triệu đồng.

Ngày 27/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Theo đó, một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc, nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT sẽ bị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, đối với xe ô tô: Hành vi mở cửa xe gây tai nạn giao thông sẽ bị tăng phạt từ 36-50 lần, ở mức từ 400.000 - 600.000 đồng thành 20 - 22 triệu đồng.

Hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn (gây tai nạn giao thông) sẽ bị tăng phạt từ 36-50 lần, ở mức từ 400.000 - 600.000 đồng thành 20 - 22 triệu đồng. Ảnh: Minh họa.

Hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn (gây tai nạn giao thông) sẽ bị tăng phạt từ 36-50 lần, ở mức từ 400.000 - 600.000 đồng thành 20 - 22 triệu đồng. Ảnh: Minh họa.

Theo điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008 nêu rõ người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Trường hợp lái xe, người ngồi trên ô tô mở cửa xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn mà dẫn tới tai nạn nghiêm trọng như làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 15 năm…

Ngoài ra, người mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn, gây tai nạn cho người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015), cụ thể, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, khi mở cửa xe cần phải quan sát kỹ xung quanh, đặc biệt là qua gương chiếu hậu và gương bên ngoài, để đảm bảo không có phương tiện hay người đi bộ đang đến gần. Nên mở cửa bằng tay nghịch để tự động quay người kiểm tra, giúp tránh va chạm với xe đạp hoặc người đi bộ. Ngoài ra, luôn nhớ rằng hành động mở cửa không cẩn thận có thể gây tai nạn và bạn có thể chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây nguy hiểm cho người khác. Hãy đảm bảo tuân thủ các quy định giao thông và luôn mở cửa xe một cách an toàn.

Xem thêm
Cơ quan chức năng của Hải Phòng ở đâu khi lưới bẫy chim giăng khắp nơi?

Hễ vào mùa chim di trú là lưới lại giăng khắp các vùng quê của TP Hải Phòng để rồi chim trở thành nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.