| Hotline: 0983.970.780

Mô hình canh tác lúa thông minh lãi 54 triệu đồng/ha

Thứ Hai 07/10/2024 , 17:48 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Lúa ST25 trong mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải lãi gần 54 triệu đồng/ha, cao hơn gần 6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Mô hình 'Canh tác lúa thông minh giảm phát thải vùng ĐBSCL' trong vụ hè thu 2024 tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình “Canh tác lúa thông minh giảm phát thải vùng ĐBSCL” trong vụ hè thu 2024 tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ hè thu 2024, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng kết hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Bayer Việt Nam, Công ty Cổ phần gạo Ông Thọ triển khai mô hình “Canh tác lúa thông minh giảm phát thải vùng ĐBSCL” tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng) với diện tích 6ha gồm 9 hộ dân trực tiếp tham gia.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi phấn khởi cho biết: Năm nay là năm đầu tiên HTX tham gia mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải theo quy trình kỹ thuật của ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra và có sự hỗ trợ của các công ty phân bón, thuốc BVTV, máy sạ cụm và cuối cùng được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vì vậy các thành viên trong HTX tham gia mô hình rất yên tâm sản xuất.

Giống lúa ST25 trong mô hình ước đạt năng suất 6,5 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ruộng mô hình của HTX nông nghiệp Hưng Lợi lãi gần 54 triệu đồng/ha, cao hơn gần 6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Ông Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết, mô hình đã mang lại những kết quả tích cực. Năng suất lúa trong mô hình ở vụ hè thu 2024 đạt trung bình 6,5 tấn/ha, cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống khoảng 10 - 15%. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giảm được chi phí sản xuất do tiết kiệm được lượng nước tưới và phân bón.

Canh tác lúa thông minh giảm phát thải vùng ĐBSCL giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận từ 25 - 30% so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Canh tác lúa thông minh giảm phát thải vùng ĐBSCL giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận từ 25 - 30% so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ra, nhờ việc sử dụng phân bón thông minh và quản lý nước theo phương pháp ngập - khô xen kẽ nên giảm được lượng phát thải khí nhà kính. Thống kê cho thấy, mô hình đã giúp giảm phát thải khoảng 20 - 25% so với canh tác truyền thống, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Thành công của mô hình không thể không kể đến vai trò của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Bayer Việt Nam và Công ty Cổ phần gạo Ông Thọ. Các công ty này đã cung cấp những sản phẩm và giải pháp canh tác tiên tiến cho nông dân tham gia mô hình.

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã giới thiệu dòng sản phẩm phân bón thông minh với khả năng cung cấp dinh dưỡng ổn định, giúp cây lúa hấp thụ tối đa dưỡng chất và hạn chế sự thoát hơi nước. Điều này không chỉ giúp cây lúa phát triển khỏe mà còn giảm thiểu lãng phí phân bón, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Công ty Sài Gòn Kim Hồng với kinh nghiệm trong sản xuất và cung ứng các thiết bị, công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là máy sạ cụm mang lại hiệu quả cao. Đây là những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vai trò của Công ty là giúp bà con nông dân giảm lượng giống gieo sạ, tức không chỉ giúp giảm chi phí giống mà còn giảm chi phí thuốc BVTV và phân bón do cây lúa phát triển khỏe, sạch sâu bệnh.

Niềm vui của nông dân thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh khi lúa cho năng suất cao và được giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Niềm vui của nông dân thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh khi lúa cho năng suất cao và được giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cụ thể tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi, máy sạ cụm của Công ty Sài Gòn Kim Hồng hỗ trợ miễn phí cho mô hình với công thức gieo sạ 65kg giống/ha, giảm từ 2 - 3 lần lượng giống so với nông dân trước đây sạ theo truyền thống. Việc giảm giống, phân bón và thuốc BVTV không làm giảm năng suất lúa của bà con nông dân.

Bên cạnh đó, Công ty Bayer Việt Nam đã cung cấp các giải pháp về bảo vệ thực vật, giúp nông dân kiểm soát tốt sâu bệnh hại mà không cần sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu. Điều này giúp hạn chế tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Công ty Cổ phần gạo Ông Thọ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lúa gạo từ mô hình canh tác thông minh. Với cam kết bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, Công ty đã giúp nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm gạo của vùng ĐBSCL.  

Mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi là minh chứng cho hiệu quả của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, không chỉ giúp tăng năng suất lúa mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần vào phát triển bền vững ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

"Đối với tỉnh Sóc Trăng, với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, mô hình này hứa hẹn sẽ mở rộng và lan tỏa trong tương lai, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tại địa phương”, ông Võ Quốc Trung (Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng) kỳ vọng.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.