| Hotline: 0983.970.780

Mô hình liên kết 3 bên phát triển cây mắc ca tại Điện Biên

Thứ Tư 17/11/2021 , 09:26 (GMT+7)

UBND huyện Tuần Giáo xác định vai trò trung tâm của chuỗi liên kết phát triển mắc ca thuộc về nhà đầu tư, còn HTX là đầu mối đại diện của hộ dân tham gia.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Tháng 11/2021, UBND huyện Tuần Giáo, Điện Biên ban hành kế hoạch phát triển thí điểm Hợp tác xã  (HTX) mắc ca giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn.

HTX mắc ca sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến tiêu thụ theo mô hình 3 bên, gồm “Hộ nông dân - HTX - Nhà đầu tư”. Trong đó, huyện chủ trương phát triển loại cây mới thông qua hợp đồng kinh tế giữa HTX và nhà đầu tư, với vai trò trung tâm của chuỗi liên kết thuộc về nhà đầu tư, còn HTX là đầu mối đại diện của hộ dân tham gia liên kết.

Trong văn bản số 202/KH-UBND ban hành ngày 2/11, huyện Tuần Giáo xác định rõ, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình, người dân tham gia HTX mắc ca trong vùng dự án trồng mắc ca với nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Mức hỗ trợ cụ thể là 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu, và tối đa không quá 50 triệu đồng/ hộ gia đình tham gia dự án. Hình thức hỗ trợ sẽ thông qua Nhà đầu tư.

Là một loại cây trồng đa mục đích, bước đầu thể hiện khả năng thích ứng và cho giá trị kinh tế cao tại nhiều huyện vùng cao của Điện Biên như Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé, Điện Biên Đông..., mắc ca được tỉnh Điện Biên xác định phương châm phát triển là tận dụng tối đa diện tích đất trống, đồi núi trọc, chuyển đổi đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả của hộ gia đình.

Với riêng huyện Tuần Giáo, UBND và Phòng Nông nghiệp huyện khuyến cáo, các hộ gia đình trồng với mật độ không quá 280 cây/ha. Các hộ gia đình, người dân được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm quả mắc ca khi thu hoạch và phải cam kết bán toàn bộ sản phẩm hạt mắc ca thu hoạch cho nhà đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang triển khai dự án trồng mắc ca tập trung với quy mô 2.000 ha tại địa bàn các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Nà Sáy, Chiềng Sinh. Theo đánh giá của UBND huyện, dự án bước đầu đã có những tác động tích cực, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, chất lượng hạt mắc ca tốt, giá thành cao và có tiềm năng trở thành cây mũi nhọn của huyện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND huyện thừa nhận, tiến độ triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư còn chậm, các thủ tục nhà đầu tư cần phải hoàn thiện sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư hầu hết chưa được triển khai hoặc đang gặp khó khăn vướng mắc; việc hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra giám sát, đồng hành cùng nhà đầu tư của các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã còn hạn chế, nhất là quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai.

Để kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện, UBND huyện Tuần Giáo ban hành Kế hoạch phát triển thí điểm thành lập các HTX Mắc ca giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Ngoài định hướng hình thức liên kết 3 bên như trên, UBND huyện sẽ khảo sát, lựa chọn thí điểm thành lập 2 HTX Mắc ca liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại 2 xã Quài Cang, Quài Nưa.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX ở địa bàn quy hoạch trồng mắc ca nói riêng, và các HTX nông nghiệp nói chung là nhiệm vụ cốt lõi. Qua đó, các hộ nông dân sẽ hiểu rõ hơn về Luật HTX năm 2012, bản chất mô hình HTX kiểu mới, cũng như các giá trị và 7 nguyên tắc HTX trong phát triển nông nghiệp nói chung, cây mắc ca nói riêng.

Trực tiếp khảo sát tình hình sản xuất, canh tác cây mắc ca tại một số xã như Quài Cang, Quài Nưa, bà Phạm Thị Tuyên giao UBND các xã lập danh sách các hộ có nguyện vọng tham gia HTX mắc ca, và đăng ký diện tích trồng cây mắc ca gửi về UBND huyện.

Xác định mắc ca là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng bà Tuyên thừa nhận một số khó khăn trong việc đẩy mạnh, phổ biến loài cây này như: chưa có quy hoạch phát triển trên địa bàn, tiến độ cấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân góp đất trồng mắc ca còn chậm... Bà kiến nghị Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho huyện.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.