Ngư dân phấn khởi được mùa đánh bắt nhờ lưới rê chuồn khơi |
Sau khi chọn hộ thực hiện mô hình, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn lắp đặt ngư lưới cụ và kỹ thuật khai thác cho các ngư dân. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm hỗ trợ 50% vật tư ban đầu. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mô hình cán bộ kỹ thuật của Trung tâm còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt, khai thác cho ngư dân. Lưới rê chuồn khơi là dạng lưới rê gồm hệ thống dây giềng, thân lưới, cánh lưới, chì, phao. Chiều dài vàng lưới gồm 80 cheo (khoảng 4.000m), chiều cao vàng lưới 2,5m.
Trước đây tàu của anh Trần Văn Long, khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng khai thác cá chuồn, áp dụng lưới rê cá chuồn theo hướng truyền thống nên hiệu quả đánh bắt không cao. Từ khi được tham gia thực hiện mô hình, anh Long cho biết, khai thác lưới rê chuồn khơi cho hiệu quả hơn hẳn.
“Nhờ thay đổi kết cấu ngư lưới cụ phù hợp với ngư trường, qua một mùa khai thác sử dụng lưới rê chuồn khơi ở ngư trường quanh đảo Cồn Cỏ. Với tổng 19 chuyến đi biển đã mang về lợi nhuận cho tàu chúng tôi trên 100 triệu. Tôi nhận thấy mô hình lưới rê chuồn khơi rất phù hợp cho ngư dân vùng cửa lệch, góp phần tăng thu nhập”, anh Long nói.
Còn anh Nguyễn Văn Túc, một chủ tàu khác tại khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng chia sẻ: Mô hình lưới rê chuồn khơi khai thác nguồn cá tầng nổi hiệu quả hơn nhiều so với lưới rê chuồn truyền thống. Với hình thức tàu chở thuyền thúng nên khởi hành khá tiện, phương pháp khai thác đơn giản.
"Trên tàu ngư dân tham gia với hình thức chung vốn. Tàu chúng tôi có 6 thuyền viên. Một chuyến đi biển đánh bắt cá chuồn sẽ kéo dài 2 ngày 1 đêm. Trong mùa đi biển năm 2018 tàu chúng tôi đi 20 chuyến đánh bắt cá chuồn, sau khi trừ các khoản chi phí đã mang về lợi nhuận khoảng 120 triệu", ông Túc nói.
Qua một mùa khai thác với ngư trường quanh đảo Cồn cỏ, độ sâu từ 40 - 60m nước, các tàu trung bình từ 17 - 20 chuyến đi biển, đã mang lại lợi nhuận từ 90 - 120 triệu đồng/tàu.
Ảnh: P.V.T |
Ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cửa Tùng cho biết, ngư dân rất hứng thú khi tiếp nhận chuyển giao nghề lưới rê chuồn khơi. Qua quá trình khai thác thực tế trên biển, nghề này bước đầu cho năng suất cao hơn hẳn so với nghề rê chuồn truyền thống. Trên các tàu thực hiện mô hình, sản lượng khai thác đều tăng, từ đó sẽ tăng thu nhập cho thủy thủ.
“Với vai trò của Hội Nông dân, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động ngư dân trang bị tàu thuyền có kích thước đủ lớn, trang thiết bị hàng hải đầy đủ, sử dụng cơ giới hóa nghề cá, mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ, mở rộng ngư trường. Bên cạnh đó, Hội Nông dân sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ và ngư dân để có kế hoạch tập huấn, du nhập, chuyển giao công nghệ một số nghề mới cho địa phương”, ông Dũng nói.
Từ những hiệu quả ban đầu của mô hình cho thấy việc mở rộng nghề khai thác lưới rê chuồn khơi sẽ nâng cao năng lực khai thác vùng cá nổi cho ngư dân địa phương. Giảm áp lực khai thác gần bờ và dần thay thế một số nghề vùng bãi ngang. Thông qua việc xây dựng mô hình lưới rê chuồn khơi đã giúp ngư dân làm chủ được công nghệ mới.
Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, sản lượng khai thác và tạo ra hướng làm ăn kinh tế đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho ngư dân tại các vùng biển bãi ngang. |