| Hotline: 0983.970.780

Mô hình nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn phát huy giá trị bền vững

Thứ Tư 04/12/2024 , 10:17 (GMT+7)

Cà Mau Mô hình nuôi thủy sản dưới rừng ngặp mặn tại tỉnh Cà Mau khẳng định được giá trị kinh tế, phát triển bền vững, góp phần bảo vệ rừng.

Người dân huyện Ngọc Hiển, mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Người dân huyện Ngọc Hiển, mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích 35.000 ha rừng ngập mặn tập trung nhiều ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Với hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn vô cùng phong phú đa dạng, những năm gần đây lĩnh vực thủy sản của tỉnh Cà Mau phát triển khá mạnh các mô hình đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên.

Trong đó, mô hình kinh tế dưới tán rừng như tôm - rừng, tôm - rừng kết hợp thả nuôi cua, sò huyết, vọp… đang khá phát triển. Người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa tham gia cùng với địa phương bảo vệ diện tích những cánh rừng.

Khoảng từ năm 2014 trở lại đây, với sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn thủy sản Minh Phú, việc nuôi tôm dưới tán rừng của bà con trở nên hiệu quả hơn nhờ được tập huấn kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng và quy hoạch lại việc trồng rừng…

Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng là đơn vị thành lập các dự án nuôi tôm hữu cơ, sinh thái đầu tiên từ năm 2013. Đến đầu năm 2017, Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú ra đời với mục tiêu vì xã hội và môi trường trong rừng ngập mặn tại huyện Ngọc Hiển.

Với mô hình tôm rừng, người dân vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Với mô hình tôm rừng, người dân vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Hứa Văn Thòn, 54 tuổi, ngụ tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển cho biết, với hơn 3ha nuôi tôm rừng sinh thái, không chỉ đạt lợi nhuận cao hơn 10 - 20% so với nuôi truyền thống mà lại tuyệt đối an toàn. Đây nghề an nhàn nhất vì hầu như không cần sử dụng máy móc, hay làm việc nặng gì cả, nhưng mức thu nhập khá ổn định khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm từ nuôi tôm.

Ông Dương Vũ Phong, Trưởng ban dự án (Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú) cho biết, diện tích nuôi tôm rừng được chứng nhận sinh thái đã tăng thêm 1.400ha, với hơn 300 hộ mới tham gia, nâng tổng diện tích nuôi tôm rừng sinh thái ở đây lên tới gần 11.400ha, với hơn 2.300 hộ nông dân tham gia, trong đó 3 xã trọng điểm gồm Viên An, Viên An Ðông và xã Đất Mũi (thuộc Ban quản lý rừng Ðất Mũi).

Bên cạnh đó, tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau”. 4 mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đã được hỗ trợ cho nông dân các xã Tân Ân, Tam Giang Tây, Viên An Đông và Viên An, với tổng diện tích 67ha và phấn đấu đến năm 2025 diện tích sẽ được mở rộng lên ít nhất 100ha.

Ông Tạ Minh Mẫn, chuyên viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi (Sở NN-PTNT Cà Màu) cho biết: “Trong những năm gần đây được các tổ chức, các chương trình dự án ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân để trồng và khôi phục rừng, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm dưới rừng nên các hộ dân rất có ý thức trong bảo vệ rừng”.

Theo đánh giá, mô hình tôm rừng người dân đạt lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Trọng Linh.

Theo đánh giá, mô hình tôm rừng người dân đạt lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau đánh giá: “Người dân nuôi tôm dưới rừng ngặp mặn tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển… rất hiệu quả, theo đánh giá 1 ha người dân đạt lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu mỗi năm”. Việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái cho thấy, đây là mô hình phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường do cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng. Khi tham gia mô hình, người nuôi phải trồng rừng, khai thác rừng và đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng trên diện tích nuôi theo quy định.

Qua đó, giúp tăng tỉ lệ che phủ rừng, phát huy khả năng giữ đất, chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương vùng ven biển.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết: Toàn huyện có hơn 73.000ha nuôi tôm rừng (bao gồm đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ), trong đó theo kế hoạch sẽ chứng nhận tôm sinh thái cho hơn 23.000ha. Đến nay có khoảng 20.000ha được chứng nhận tôm sinh thái, với 3 công ty tham gia chuỗi liên kết gồm: Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Camimex Cà Mau, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Seaprimexco Năm Căn.

Vừa qua, tổ chức Bureau Veritas cấp chứng nhận ASC đầu tiên cho mô hình tôm - rừng tại Việt Nam, cho Công ty TNHH xã hội tôm chứng nhận Minh Phú tại huyện Ngọc Hiển.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.