| Hotline: 0983.970.780

Tôm - rừng: Nông nghiệp đa tầng, thuận thiên, giá trị cao

Thứ Ba 30/04/2024 , 09:12 (GMT+7)

Tôm - rừng là một trong những mô hình nông nghiệp thuận thiên, đa tầng được Cà Mau chú trọng đầu tư, mang lại thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm cho hộ nuôi.

Rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau tạo nên một hệ sinh thái đa dạng giúp cư dân bản địa phát triển sinh kế thuận thiên. Ảnh: Kim Anh.

Rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau tạo nên một hệ sinh thái đa dạng giúp cư dân bản địa phát triển sinh kế thuận thiên. Ảnh: Kim Anh.

Với hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn vô cùng phong phú đa dạng, những năm gần đây lĩnh vực thủy sản của tỉnh Cà Mau phát triển khá mạnh các mô hình đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên.

Trong đó, mô hình kinh tế dưới tán rừng như: tôm - rừng, tôm - rừng kết hợp thả nuôi cua, sò huyết, vọp… đang khá phát triển. Người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa tham gia cùng với địa phương bảo vệ những cánh rừng.

Cách TP Cà Mau khoảng 75km, mất gần 2 giờ di chuyển bằng xe máy, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đặt chân đến khu vực biên giới biển thuộc địa phận xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển. Những cánh rừng ngập mặn xanh thẳm, nối tiếp nhau hàng chục cây số ôm trọn con đường độc đạo Quốc lộ 1A dẫn vào trung tâm xã.

Sinh kế chính của người dân xã Viên An Đông đa phần đều dựa vào con tôm, cánh rừng và một số loài thủy sản khác. Ông Bùi Văn Sỉ là một trong những hộ dân có thâm niên hơn 37 năm gắn bó với mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng. Hiện ông được giao khoán bảo vệ 7ha rừng ngập mặn. Tỷ lệ tôm - rừng được ông phân chia thành 40% mặt nước và 60% còn lại là rừng trồng.

Những năm gần đây, mô hình tôm – rừng trở thành sinh kế chính của người dân xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Những năm gần đây, mô hình tôm – rừng trở thành sinh kế chính của người dân xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, tôm có nguồn thức ăn tự nhiên nên phát triển khá tốt, bà con lại không tốn chi phí đầu tư thức ăn. Trung bình mỗi năm ông Sỉ thả nuôi 300.000 tôm sú giống, chia thành 3 đợt thả. Vài năm gần đây, lợi nhuận từ con cua mang lại khá cao, ông kết hợp thả xen thêm cua, sò huyết, vọp… để gia tăng giá trị kinh tế.

Vì gắn bó lâu năm, dường như bà con nơi đây cũng đã quen “tính nết” của các loài thủy sản. Chỉ cần đảm bảo nguồn nước tốt, tôm nuôi tự nhiên lớn. Đặc biệt, với quy mô nuôi lớn, ông Sỉ xây dựng ao ương riêng khoảng 2.000m2 ngay trong vuông tôm. Sau quá trình ương dưỡng khoảng 20 ngày, đồng thời sên vét bùn ở ao nuôi thật sạch sau đó mới tiến hành thả giống.

Ông Sỉ tính toán, thu nhập hiện tại của gia đình được duy trì ổn định ở mức từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, rừng trồng sau khoảng 10 – 15 năm, đúng tỷ lệ theo quy định, bà con có thể khai thác, mang về nguồn thu khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha.

Toàn xã Viên An Đông có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 14.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm khoảng 60% tổng diện tích nuôi, với 2.200 hộ cùng tham gia phát triển mô hình tôm – rừng.

Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bộc bạch, mô hình tôm – rừng đã phát triển tại địa phương hàng chục năm qua. Tuy nhiên, ban đầu bà con nuôi theo cách dân gian là khoanh vùng mặt nước để các loài thủy sản tự nhiên phát triển.

Khoảng năm 2014 trở lại đây, với sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn thủy sản Minh Phú, việc nuôi tôm dưới tán rừng của bà con trở nên hiệu quả hơn nhờ được tập huấn kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng và quy hoạch lại việc trồng rừng

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, tôm có nguồn thức ăn tự nhiên nên phát triển khá tốt, bà con lại không tốn chi phí đầu tư thức ăn. Ảnh: Kim Anh

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, tôm có nguồn thức ăn tự nhiên nên phát triển khá tốt, bà con lại không tốn chi phí đầu tư thức ăn. Ảnh: Kim Anh

Bên cạnh đó, vừa qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau”. 4 mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đã được hỗ trợ cho nông dân các xã: Tân Ân, Tam Giang Tây, Viên An Đông và Viên An, với tổng diện tích 67ha và phấn đấu đến năm 2025 diện tích sẽ được mở rộng lên ít nhất 100ha.

Ông Trần Quốc Toản là một trong 4 hộ dân đang nhận được sự hỗ trợ từ WWF Việt Nam về con giống, các loại vi sinh, thiết bị máy móc… để triển khai mô hình tôm - rừng trên quy mô 5,5ha.

Với diện tích này, ông vừa thả nuôi tôm, cua, trung bình lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một phần mặt nước được ông Toản khoanh nhỏ lại để kết hợp nuôi cá mú, cá nâu, gia tăng thêm lợi nhuận.

Ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển 2 hình thức nuôi nuôi tôm là nuôi tôm sinh thái, 2 giai đoạn và nuôi tôm công nghiệp, thâm canh, thậm chí là siêu thâm canh. Từ đây, các cơ sở sản xuất giống cũng phát triển theo nhu cầu.

Ngoài tôm là đối tượng nuôi chính, bà con còn kết hợp thả cua, sò huyết, vọp… để gia tăng giá trị kinh tế. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài tôm là đối tượng nuôi chính, bà con còn kết hợp thả cua, sò huyết, vọp… để gia tăng giá trị kinh tế. Ảnh: Kim Anh.

Huyện đang có chủ trương từng bước xóa diện tích nuôi tôm công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, lấp dần thành mô hình nuôi tôm sinh thái. Những năm gần đây các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm – rừng có chiều hướng phát triển tốt.

Từ tháng 7 - 8 âm lịch, bà con bắt đầu cải tạo, phơi đất, sau đó lấy nước vào, tạt vi sinh để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm. Đến đầu tháng 9 âm lịch, các hộ nuôi bắt đầu thả giống. Trung bình từ 3,5 - 4 tháng tôm nuôi có thể thu hoạch. Nếu muốn tôm đạt kích cỡ lớn hơn từ 14 - 15 con/kg hộ nuôi có thể nuôi kéo dài thời gian nuôi từ 4 – 5 tháng. Với giá tôm dao động từ 220.000 - 310.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ), mô hình này mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm cho bà con.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.