| Hotline: 0983.970.780

'Lá phổi xanh' đất Mũi đưa tôm rừng sinh thái hiên ngang xuất ngoại

Thứ Năm 22/06/2023 , 15:00 (GMT+7)

CÀ MAU Không chỉ giúp sản phẩm tôm rừng tự tin chinh phục thị trường quốc tế khó tính nhất, những cánh rừng ngập mặn và hệ sinh thái ở đất Mũi ngày càng trù phú.

Căng tràn “lá phổi xanh” vùng ngập mặn

Theo quốc lộ 1A đoạn từ TP Cà Mau đi qua hai huyện Cái Nước và Năm Căn (Cà Mau) nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh về Ngọc Hiển, huyện cực Nam của Tổ quốc, dọc hai bên đường là những cánh rừng đước ngập mặn xanh mướt, được người dân khoanh thành luống dài thẳng tắp để nuôi tôm rừng. Nằm cách TP Cà Mau khoảng 60km qua cầu Năm Căn đến ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), nơi Công ty Cổ phần xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú đóng đô, cũng bạt ngàn những mô hình tôm rừng như thế.

Mô hình tôm rừng tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP... Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tôm rừng tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP... Ảnh: Trọng Linh.

Bài liên quan

Công ty Cổ phần xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là đơn vị thành lập các dự án nuôi tôm hữu cơ, sinht thái đầu tiên từ năm 2013. Đến đầu năm 2017, Công ty Cổ phần xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú ra đời với mục tiêu vì xã hội và môi trường trong rừng ngập mặn tại huyện Ngọc Hiển.

Chưa đầy một năm quay trở lại đây, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông Dương Vũ Phong, Trưởng Ban dự án cho biết diện tích nuôi tôm rừng được chứng nhận sinh thái đã tăng thêm 1.400ha, với hơn 300 hộ mới tham gia, nâng tổng diện tích nuôi tôm rừng sinh thái ở đây lên tới gần 11.400ha, với hơn 2.300 hộ nông dân tham gia, trong đó 3 xã trọng điểm gồm Viên An, Viên An Ðông và xã Đất Mũi (thuộc Ban quản lý rừng Ðất Mũi).

Thời điểm này, doanh nghiệp và người dân đang xây dựng thương hiệu tôm nuôi hữu cơ ban đầu theo tiêu chuẩn quốc tế Naturland.

“Nhận thấy được nhiều lợi ích khi tham gia chuỗi tôm rừng của Minh Phú, nhiều bà con đã liên hệ tham gia liên kết với mục đích cùng nhau phát triển bền vững”, ông Dương Vũ Phong cho biết. Thay đổi mà ông Phong nói thể hiện rõ ở hai điều. 

Ông Phạm Ngọc San, Bí thư Chi bộ ấp Biển Nhạn, xã An Viên Đông chèo xuồng thăm lộp tôm của gia đình. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Ngọc San, Bí thư Chi bộ ấp Biển Nhạn, xã An Viên Đông chèo xuồng thăm lộp tôm của gia đình. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ nhất, những người nuôi tôm rừng ở Ngọc Hiển bây giờ nhận thức, tư duy đã rất khác so với những năm trước. Bà con biết làm thương hiệu, biết tổ chức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt khi tham gia mô hình chuỗi tôm rừng của Minh Phú, bà con được hỗ trợ xây dựng mã số vùng nuôi.

Để được cấp chứng chỉ Naturland, bắt buộc các hộ nuôi tôm không được làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn, trong đó, người nuôi phải đảm bảo tỷ lệ che phủ của rừng từ 40% trở lên trên diện tích ao nuôi và không được phép sử dụng bất cứ hóa chất gây hại nào. Nuôi tôm dưới rừng nhưng phải có nguồn gốc xuất xứ, vừa nuôi vừa tham gia quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ động vật hoang dã thuộc Sách Đỏ, quản lý đầu vào, con giống, quản lý rác thải, chất thải…

Các hộ tham gia mô hình cũng phải cam kết không được chặt phá cây rừng, thay đổi hiện trạng đất rừng trái phép, có ý thức bảo vệ và duy trì sự sống của các loài động vật hoang dã khi xuất hiện trong trại nuôi, cấm tiêu diệt hay săn bắt, mua bán dưới bất cứ hình thức nào…

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Ngọc Hiển (Cà Mau) đang ngày càng sinh sôi, trù phú, tạo điều kiện rất thuận lợi cho nuôi tôm rừng. Ảnh: Trọng Linh.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Ngọc Hiển (Cà Mau) đang ngày càng sinh sôi, trù phú, tạo điều kiện rất thuận lợi cho nuôi tôm rừng. Ảnh: Trọng Linh.

Điều quan trọng là người nuôi phải ghi chép tất cả các hoạt động liên quan đến nuôi tôm (cải tạo, diệt cá tạp, thả giống, thu hoạch…) và các hoạt động khác (chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt…) vào sổ nhật ký. Các tài liệu, hồ sơ phải được lưu giữ tất cả theo quy định trong thời hạn 5 năm (hợp đồng, nhật ký trại nuôi, hóa đơn mua giống...).

Thứ hai, không chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế, điều đặc biệt, bà con nuôi tôm sinh thái còn được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Bà con cũng sẽ được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Những hộ có chứng nhận sinh thái còn được hỗ trợ 20.000 con giống/năm. Khi các dự án được cấp giấy chứng nhận, bà con sẽ được hưởng những quyền lợi về chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 đồng/ha và phần giá trị tăng thêm khoảng 3.000 đồng/kg tôm thương phẩm.

Đúng như tên gọi "công ty cổ phần xã hội”, lợi nhuận thu được phía công ty sẽ trích 60% để tiếp tục đầu tư cho mô hình. Hình thức nuôi tôm rừng đã khẳng định được sự phù hợp với điều kiện thực tế ở Cà Mau, một mặt vừa đáp ứng được mục tiêu kinh tế, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân từ nuôi tôm, phát huy được vai trò của kinh tế tập thể, mặt khác bảo vệ được rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên...

Cán bộ Công ty Cổ phần xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú kiểm tra ao nuôi của các hộ dân. Ảnh: Trọng Linh.

Cán bộ Công ty Cổ phần xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú kiểm tra ao nuôi của các hộ dân. Ảnh: Trọng Linh.

“Dự án đã mở ra hướng đi mới cho người nuôi tôm tại Ngọc Hiển hợp tác bứt phá đi lên, phát triển bền vững sinh kế cho cộng đồng người dân nuôi tôm, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, gìn giữ và phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống, xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao tôm sinh thái, hữu cơ như là sản phẩm đặc sản và chất lượng”, Trưởng Ban dự án nuôi tôm rừng ở Ngọc Hiển đúc kết.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết: Ngọc Hiển hiện có hơn 23.000ha mặt nước nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng ngập mặn với gần 11.400 hộ tham gia. Trong số đó đã có 19.400ha nuôi theo loại hình sinh thái, mỗi năm tạo ra hơn 4.000 tấn tôm sinh thái đạt các chứng nhận Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP... Ngoài ra, các HTX, tổ hợp tác và hộ nuôi còn xây dựng các mô hình nuôi bán thâm canh (26.490ha), nuôi tôm thâm canh (hơn 260ha), quảng canh (hơn 6.900ha)..., mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 38.000 tấn tôm, cua các loại.

Mô hình nhàn nhất

Trên con lộ nông thôn mới rộng hơn 2m, chúng tôi đến nhà ông Phạm Ngọc San, Bí thư Chi bộ ấp Biện Nhạn, xã An Viên Đông. Ông San nở nụ cười thân thiện bảo rằng, nuôi tôm rừng nhàn lắm. Con tôm lớn lên trong tự nhiên, được thả nuôi trên mặt nước có độ che phủ của rừng tự nhiên nên không sợ hạn mặn, không sợ mưa mùa như tôm nuôi công nghiệp. Giá bán cũng cao hơn so với nuôi tôm thông thường.

Sự thành công của nuôi tôm rừng đã cho thấy, bảo vệ môi trường mới có thể đem lại giá trị kinh tế bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Sự thành công của nuôi tôm rừng đã cho thấy, bảo vệ môi trường mới có thể đem lại giá trị kinh tế bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Từ những cánh rừng ngập mặn ở đất Mũi, bà con tự tin bảo rằng bây giờ tôm rừng sinh thái Ngọc Hiển đã hiên ngang đi vào những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật hay EU.

Ông Lê Văn Khoa, 54 tuổi, ngụ tại ấp Biển Nhạn (xã Viên An Đông) cho biết, gia đình có hơn 3ha nuôi tôm rừng. Trước đây nuôi theo kiểu truyền thống, thu nhập cũng tương đối ổn định nhưng qua một vài năm môi trường nước có dấu hiệu bị ô nhiễm, năng suất giảm, có những vụ mất trắng mà không biết phải làm sao.

“Từ khi chuyển sang nuôi tôm rừng sinh thái, không chỉ đạt lợi nhuận cao hơn 10 - 20% so với truyền thống mà lại tuyệt đối an toàn. Đây nghề an nhàn nhất, hầu như không cần sử dụng máy móc, hay làm việc nặng gì cả. Vợ chồng, con cái có thời gian làm việc khác, vừa có mức thu nhập ổn định khoảng  150 - 200 triệu đồng/năm từ nuôi tôm.

Theo Bí thư Chi bộ ấp Biện Nhạn, toàn ấp có 136 hộ với gần 10.000ha nuôi trồng thủy sản theo mô hình tôm rừng. Trước đây bà con sản xuất theo kiểu truyền thống, cuộc sống cũng đủ ăn đủ mặc, nhưng từ khi tham gia chuỗi tôm rừng của Minh Phú, cuộc sống khá hơn rất nhiều.

Không chỉ cải thiện môi trường sinh thái, nuôi tôm rừng đã giúp kinh tế tập thể, bộ mặt nông thôn mới ở huyện Ngọc Hiển ngày càng căng đầy sức sống. Ảnh: Trọng Linh.

Không chỉ cải thiện môi trường sinh thái, nuôi tôm rừng đã giúp kinh tế tập thể, bộ mặt nông thôn mới ở huyện Ngọc Hiển ngày càng căng đầy sức sống. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết: Toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 73.000ha nuôi tôm rừng (bao gồm đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ), trong đó theo kế hoạch sẽ chứng nhận tôm sinh thái cho hơn 23.000ha, đến nay đã có hơn 19.000ha được chứng nhận tôm sinh thái, với 3 công ty tham gia chuỗi liên kết gồm: Công ty Cổ phần xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú; Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Camimex Cà Mau, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Seaprimexco Năm Căn.

Phát triển kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác trên Đất Mũi xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao và đã đạt được những hiệu quả tích cực, vững chắc. Đặc biệt, những mô hình tôm rừng ở Ngọc Hiển bây giờ đã là những chuỗi sản xuất khép kín, không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần thay đổi tư duy, nhận thức bà con về một nền nông nghiệp vững bền, trách nhiệm, bảo vệ môi trường sinh thái.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.