Đổ thải trộm có vào tính khối lượng vào các gói thầu?
Để khắc phục các điểm đen giao thông, người ta phải cắt, nắn cua, mở rộng quốc lộ 4D. Trong đó, trên đoạn đi qua địa phận phường Phan Si Păng, phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, Lào Cai) tồn tại những khúc cua gây nguy hiểm, chắn tầm nhìn người đi đường vì vậy quốc lộ 4D tại khu vực này được mở rộng, giảm góc cua.
Sau khi trúng thầu những hạng mục nêu trên, các đơn vị thi công phải san gạt một khối lượng đất đá rất đối lớn vì taluy dương của quốc lộ 4D chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao.
Song tại vị trí những điểm thi công này không có biển báo nhằm giúp người đi đường nhận diện được có công trình đang xây dựng từ xa, để chủ động điều chỉnh tốc độ, hướng chi chuyển... Và đặc biệt là xảy ra tình trạng một số hộ dân cấu kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn san gạt quá mốc giới mở rộng, cắt cua quốc lộ 4D.
Mặt khác, do có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, nên những mảnh đất nông nghiệp dọc tuyến quốc lộ 4D thuộc địa bàn phường Ô Quy Hồ và phường Phan Si Pang có giá lên tới hàng tỷ đồng.
Vì vậy việc san gạt trái phép không chỉ làm biến đổi hiện trạng đất nông nghiệp mà còn giúp trục lợi những số tiền lớn sau khi làm xong mặt bằng, không còn địa hình đồi núi như trước.
Song, vì có sự nhập nhèm giữa thi công công trình và san gạt đất nông nghiệp của những hộ gia đình có đất bám mặt đường quốc lộ 4D nên xảy ra tình trạng xe chở đất đá thải được bốc xúc lên từ vị trí những điểm cắt cua và được mang đi đổ vô tội vạ, trái phép.
Câu hỏi dư luận đặt ra đó là hàng nghìn, hàng triệu mét khối đất đá thải đã đi đâu, có nằm trong khối lượng gói thầu nhà nước phải chi trả cho đơn vị thi công cắt cua, xóa điểm đen quốc lộ 4D? Trong khi, việc san gạt, xúc đổ thải là phần công việc chính trong các gói thầu thi công công trình này.
Việc đổ thải trái quy định không những làm ảnh hưởng môi trường, thay đổi hiện trạng đất mà còn giúp những đối tượng nhận chở, đổ thải hưởng lợi từ việc gian lận cung đường phải di chuyển, giảm chi phí xăng dầu...
Ông Triệu Trọng Bằng, Chủ tịch UBND phường Ô Quý Hồ khẳng định, trên địa bàn phường không có điểm đổ thải. Việc những xe chở đất đá thải chở đến một số điểm trên địa bàn phường để đổ là trái phép, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Triệu Trọng Bằng không thể giải thích được vì sao một tuần trước đó mới xử phạt đơn vị đổ thải trái phép xong thì lại xảy ra tình trạng trên.
Ai ngang nhiên đổ thải trái phép?
Ghi nhận trong nhiều ngày tại điểm đổ thải lớn nhất nằm trên địa bàn phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, Lào Cai). Hàng nghìn, hàng triệu mét khối đất đá thải được vận chuyển từ nhiều nơi trên quốc lộ 4D chở đến đây để đổ. Hàng chục xe chở đất đá thải ra vào ngang nhiên như chỗ không người. Lối vào khu vực này cũng được mở lan can đường bộ dài hàng chục mét để tiện cho xe cỡ lớn ra vào.
Không những vậy, khi đổ thải tại đây còn xuất hiện một số đối tượng đi xe con và làm công việc hướng dẫn xe ra vào đổ thải, điều tiết các máy xúc san gạt mặt bằng. Gọi là đổ thải trộm song khu vực này không khác gì một đại công trường với hàng nghìn mét khối đất đã lấp đầy một thung sâu. Một đối tượng trong bãi cũng ra nhắc nhở PV khi ghi hình tại đây làm chứng cứ.
Các xe đổ đất đá thải trộm hoạt động rầm rộ bất kể ngày hay đêm. Khi mưa phùn hay sương mù thì những xe đổ đất đá thải này vẫn hoạt động hết công suất, rơi vãi đất đá khiến đường phố trơn trượt, nhếch nhác. Trong đó, xe vào bãi đổ thải trái phép ở km99+700, km101+200... của quốc lộ 4D vòng quanh kho xây kiên cố của cửa hàng Trung Thảo...
Một số hãng xe đổ thải trái phép có đề tên công ty vận tải: Trung Thảo, Minh Kiên, Trung Kiên… Các xe tải của những nhà xe này chạy dồn dập, náo loạn cả một đoạn quốc lộ 4D. Song những ngày này, phóng viên không nhận thấy bất cứ sự nhắc nhở, hay giám sát, phát hiện nào từ những cơ quan chức năng của thị xã Sa Pa.
Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc cố tình làm ngơ để hoạt động san gạt đất nông nghiệp và đổ thải trái phép trên những địa bàn nói trên?
Quá trình liên lạc và đặt câu hỏi tới những lãnh đạo của UBND những phường nói trên, phóng viên đều nhận được sự đáp trả thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cử cán bộ xuống thăm nắm tình hình, lập biên bản hiện trạng; đề nghị phóng viên quay lại sau.
Sau sự thờ ơ của những lãnh đạo UBND phường nêu trên là sự biến mất khó hiểu của những phương tiện chở đất đá thải, máy xúc tại vị trí những điểm cắt cua.
Theo chỉ huy một công trình, việc thi công đều phải ghi nhật ký, số ca máy, số lượng xe và hiện nay còn có hộp đen trên xe vận tải nên việc xác định xe thi công công trình có đổ thải đúng điểm quy định là không khó.