| Hotline: 0983.970.780

Nhập nhèm xóa điểm đen giao thông để san gạt đất nông nghiệp?

Thứ Năm 22/12/2022 , 07:46 (GMT+7)

Khi thực hiện cắt cua xóa các điểm đen giao thông trên quốc lộ 4D đoạn qua thị xã Sa Pa đã xảy ra tình trạng lợi dụng san gạt đất nông nghiệp bừa bãi.

IMG_9283

Mốc giới được cắm trên quốc lộ 4D tuy nhiên việc san gạt sâu vào hàng chục mét hết sức bất thường. Ảnh:

San gạt bừa bãi đất nông nghiệp

Gần đây, hàng loạt thửa đất nông nghiệp nằm bên tả ly dương của quốc lộ 4D, thuộc địa phận phường Phan Si Păng và phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, Lào Cai) đã và đang bị san gạt bừa bãi, thay đổi hiện trạng đất. 

Trước tình trạng trên, dư luận đặt câu hỏi có hay không, những mảnh đất nông nghiệp nằm mặt đường quốc lộ 4D này, đang được bật đèn xanh, san tạo mặt bằng chờ cơ hội chuyển đổi từ đất trồng cây hằng năm thành đất ở?

Có hay không việc doanh nghiệp vận tải địa phương hống hách, coi thường pháp luật cấu kết với một số người dân tự ý xúc đất và đổ thải tràn lan ở địa phận 2 phường trên nhằm mục đích dựng nhà trái phép, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp? 

Trên tuyến quốc lộ 4D có nhiều điểm san gạt, cố ý thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp và dựng nhà xưởng rộng hàng trăm mét. Các nhà xưởng này được dựng “cấp tốc”, chỉ che đậy mặt ngoài giáp quốc lộ 4D còn bên trong chưa kịp hoàn thiện, che chắn hậu của ngôi nhà. 

Việc san gạt bừa bãi, không có biện pháp thi công gây sạt lở taluy dương, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này, khi chính quyền địa phương buông lỏng quản lý?

Trong số những điểm san gạt bừa bãi, trái phép, nổi bật lên 3 điểm cắt cua gây bức xúc dư luận tại km100+800; km102+700; km102+400… Doanh nghiệp vận tải, san lấp xúc sâu hơn mốc giới nắn cua, mở rộng quốc lộ 4D hàng chục mét. 

Toàn bộ khối lượng đất đá trước đây là đồi núi có độ dốc thoải nay đã bị cắt chân hết sức nguy hiểm, nguy cơ sạt lở, mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, những việc làm này đều qua mặt các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương.

sangat

Việc san gạt đất đai dọc tuyến quốc lộ 4D gây sạt lở. Ảnh: H.Đ

Những thửa đất bạc tỉ

Giải mã cho việc san gạt tràn lan này, PV được biết, khu vực nêu trên có giá đất nông nghiệp rất cao, lên tới 300 triệu đồng một mét bám mặt đường quốc lộ 4D. Khi mua những mảnh đất này, phải tự hoàn thiện thủ tục, chuyển đổi sang đất ở. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những nhà xưởng, kho tại những khu vực này.

“Nhà chị có 10m mặt đường, sâu 25-30m, đang bảo bán 3 tỷ. Hiện đã có bìa nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm khác. Bây giờ làm bìa đấy sau này là làm được bìa đỏ đất ở. Chị nói thật, hôm có người gọi mua, người ta trả chị 2,8 tỷ rồi nhưng chị không bán. Chị không có ý định ở nên không làm chuyển bìa sang đất thổ cư. Tên trên bìa là chính chủ đấy, em cứ xem đi. Chị gửi sổ cho qua Zalo”, người này cho hay. 

Trước việc san gạt bừa bãi dọc quốc lộ 4D đoạn qua phường Phan Si Păng, PV liên hệ lãnh đạo UBND phường Phan Si Păng (Sa Pa, Lào Cai). Tuy nhiên, trong suốt 2 ngày có mặt tại đây, lãnh đạo phường bao biện cho những phương án cắt cua điểm đen của Sở Giao thông - Xây dựng tỉnh Lào Cai. Mặc nhiên để cho các phương tiện máy móc hoạt động, không vấp phải sự kiểm tra, giám sát nào của chính quyền địa phương. 

Cái này của Sở Giao thông - Xây dựng mà. Tôi đang cho làm giấy mời Sở Giao thông - Xây dựng bố trí để lên làm việc, lập biên bản, mới xác định được vị trí, vị lãnh đạo phường Phan Si Păng này cho hay.

Không hiểu, việc quản lý những điểm nóng về đất đai ở Sa Pa tại những địa bàn này sẽ ra sao khi chính quyền địa phương thờ ơ như vậy? Khi mọi sự đã rồi thì sẽ là người chịu trách nhiệm trước việc đất nông nghiệp đã bị thay đổi hiện trạng nghiêm trọng? 

Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi, có hay không việc nhập nhèm của đơn vị thi công cắt cua xóa điểm đen trên quốc lộ 4D?

Trường hợp có rủi ro, khi xảy ra sạt lở ở những khu vực nêu trên ai sẽ chịu trách nhiệm, chi phí khắc phục sẽ lấy nguồn từ đâu? 

Việc thi công có được đảm bảo an toàn khi các phương tiện vận tải đất đá thải rơi rãi gây bẩn và trơn trượt quốc lộ 4D.

Sau nhiều ngày ghi nhận tại những khu vực nêu trên, một loạt các phương tiện máy móc san gạt bỗng nhiên biến mất. Các cọc mốc nắn cua quốc lộ 4D cũng bỗng dưng xuất hiện, cắm dưới mặt đường. 

Liên quan việc đổ thải bừa bãi, PV làm việc với UBND phường Ô Quy Hồ (Sa Pa, Lào Cai) nhưng lãnh đạo phường này cho biết, doanh nghiệp lợi dụng ngày nghỉ đổ thải trộm. Cách đây một tuần cũng vừa lập biên bản với Phòng TNMT thị xã Sa Pa. 

Việc các du khách than vãn Sa Pa ngày càng bụi bẩn, một mặt do địa phương này đang tập trung phát triển đô thị. Song mặt khác chính là do việc quản lý yếu kém về đất đai để xảy ra việc san gạt, đổ thải bừa bãi.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.