| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang:

Mỏ sắt Suối Thâu bị đào trộm, Giám đốc Sở Tài nguyên tỏ vẻ thờ ơ

Thứ Năm 24/12/2020 , 19:04 (GMT+7)

Doanh nghiệp công khai bạt núi, khai thác quặng trái phép mà không gặp trở ngại nào. Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường nghe thông tin từ phóng viên một cách lạnh nhạt…

Hiện trường mỏ sắt Suối Thâu, thân quặng I ngày 21/12/2020

Hiện trường mỏ sắt Suối Thâu, thân quặng I ngày 21/12/2020

Bạt núi đào trộm quặng

Mỏ sắt Suối Thâu nằm trên địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Năm 2009, UBND tỉnh Hà Giang cấp Giấy phép khai thác khoáng sản Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu cho Công ty Cổ phần Thép An Khang. Nội dung giấy phép thể hiện khu vực Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu có xấp xỉ 2,7 triệu tấn quặng sắt và 3,6 triệu tấn quặng Chì - Kẽm, Công ty An Khang được phép khai thác 360 tấn quặng/năm, trong thời hạn 09 năm.

Quyết định của UBND tỉnh Hà Giang cũng kèm theo điều kiện là mọi hoạt động khai thác khoáng sản chỉ được phép tiến hành sau khi doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ các thủ tục: nộp thiết kế mỏ, thông báo về Giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác cho Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công thương, ký quỹ môi trường, ký hợp đồng thuê đất và đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh… Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực mà doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì Giấy phép không còn hiệu lực thi hành.

Nhận được Giấy phép khai thác khoáng sản ở Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu, công ty An Khang không bắt tay vào khai thác mà vẫn chỉ tập trung vào việc xin thêm các thân quặng khác gồm: Thân quặng II, III, IV, V, VI mỏ sắt Suối Thâu, xã Minh Sơn và thân quặng VII, VIII của mỏ sắt Thâm Thiu, xã Giáp Trung huyện Bắc Mê. Tổng trữ lượng các mỏ này khoảng 4,8 triệu tấn quặng sắt. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ 2009 -2010, công ty An Khang đã được cấp quyền khai thác ở 8 mỏ sắt với trữ lượng vô cùng lớn.

Tuy “ôm đồm” được nhiều mỏ nhưng trải qua gần chục năm doanh nghiệp này vẫn bỏ bê không hoàn tất các thủ tục để đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Cho đến tận cuối năm 2017, khi tỉnh Hà Giang rà soát tổng thể các điểm mỏ để ra Quyết định về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thì cả 8 điểm mỏ nói trên của công ty An Khang đều bị liệt vào danh sách chưa hoàn thành các thủ tục. Và nếu chiếu theo quy định của pháp luật thì tất cả các mỏ này đều đã phải thu hồi. Vậy nhưng tỉnh Hà Giang đã buông lỏng quản lý, có dấu hiệu cố tình làm ngơ cho công ty An Khang “ôm” mỏ cát cứ trong suốt một thời gian dài.

Đến năm 2018, Giấy phép khai thác khoáng sản Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu mặc nhiên hết hạn sau 9 năm mỏ sắt bị bỏ không và tỉnh Hà Giang ra quyết định đóng cửa mỏ. Tháng 12 năm 2020, công ty An Khang đột nhiên đưa máy xúc, ô tô tải hạng nặng vào khai thác ồ ạt tại Thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu. Tốc độ khai mỏ nhanh và thần tốc đến mức có thể nhìn thấy ngọn núi bị ăn mòn từng ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn đã xẻ tan một quả núi chứa đầy quặng. Ngày 18/12, trong vai cán bộ khảo sát địa chất, phóng viên tiếp cận khai trường của công ty An Khang ghi nhận một rãnh núi bị xẻ có độ dài chỉ trên 50 mét. Chỉ 3 ngày sau, ngày 21/12 quay lại hiện trường rãnh núi đã được mở rộng tới 70 m. Tiếp đến ngày 22/12, thì gần như cả quả núi quặng sắt – chì – kẽm thuộc thôn Nà Sáng, xã Minh Sơn đã bị bổ dọc với lát cắt chiều dài tới gần 100 m….

Ảnh trái: Hiện trường mỏ ngày 18/12 và Ảnh phải: Hiện trường mỏ ngày 21/12. 

Ảnh trái: Hiện trường mỏ ngày 18/12 và Ảnh phải: Hiện trường mỏ ngày 21/12. 

Việc công ty An Khang tổ chức khai thác sau khi mỏ đã bị đóng cửa là hoạt động đào mỏ trái phép, hoàn toàn không có sự giám sát của chính quyền địa phương, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của đất nước. Hoạt động này diễn ra rầm rộ, công khai nhưng không hiểu sao UBND xã Minh Sơn, UBND huyện Bắc Mê, Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Hà Giang lại không nắm bắt được?

Thiếu trách nhiệm

Bãi tập kết khoáng sản và phương tiện khai thác của công ty An Khang

Bãi tập kết khoáng sản và phương tiện khai thác của công ty An Khang

Mặc dù năm 2017, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký quyết định số 2627 về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương:

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ là đầu mối của tỉnh trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi có thông tin tại các địa bàn có xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép. Lực lượng nòng cốt là Thanh tra Sở, các phòng chuyên môn liên quan thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; lực lượng chức năng tại các địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Công an tỉnh có trách nhiệm Phối hợp các sở ngành liên quan, kiểm tra, xử lý hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.

[video] Toàn cảnh khai thác mỏ và câu trả lời thiếu trách nhiệm của ông Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Giang. 

Vậy nhưng, chiều ngày 22/12/2020, sau khi ghi nhận hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại Thân I mỏ sắt Suối Thầu, xã Minh Sơn, phóng viên đã chủ động liên lạc với ông Hoàng Văn Nhu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đề nghị xin gặp để cung cấp thông tin bằng chứng quay, chụp được tại hiện trường nhưng ông Nhu cáo “bận họp” và thẳng thừng từ chối không gặp phóng viên. Ông Nhu cũng tỏ ra thờ ơ không cần, không đưa ra giải pháp nào để tiếp nhận hình ảnh bằng chứng doanh nghiệp đang đào trộm tài nguyên của đất nước. Cho dù ông Nhu được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ: “Là đầu mối của tỉnh trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và có trách nhiệm kiểm tra đột xuất khi có thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép”.

Khác với ông Nhu, Đại tá Phan Huy Ngọc - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, mặc dù đang công tác ở xa không thể gặp phóng viên nhưng đã sốt sắng thực hiện chức trách của mình. Ông Ngọc đề nghị chúng tôi cung cấp chi tiết biển số xe đang khai thác, khu vực khai thác và cẩn thận bố trí cán bộ tiếp nhận thông tin bằng chứng hình ảnh để có cơ sở xử lý hành vi khai thác quặng trái phép.

Từ cách ứng xử của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang chúng tôi hiểu nguyên nhân vì sao mà công ty An Khang dám ngang nhiên khai thác trái phép tại Thân quặng I mỏ sắt Suối Thâu mà không sợ cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Vì sao công ty An Khang được cấp mỏ từ hàng chục năm qua, không cần hoàn tất thủ tục để đưa vào khai thác mà vẫn không bị tỉnh Hà giang ra quyết định thu hồi mỏ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.