NNVN có cuộc trao đổi với ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Sao Mai xung quanh vấn đề này.
Ông Trương Vĩnh Thành |
Năm qua giá cá tra đạt mức kỷ lục, vậy đối với Cty CP Đầu tư & phát triển đa quốc gia IDI có những kết quả gì?
Có thể nói trong năm qua doanh thu XK toàn ngành cá tra Việt Nam đạt mốc kỷ lục 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017. Riêng IDI chuyên XK cá tra và dầu ăn cao cấp Ranee được tinh luyện 100% từ cá tra cũng tăng trưởng mạnh. Tổng lượng nguyên liệu SX đạt gần 86.000 tấn, tăng 19,5% so với năm 2017. Doanh số XK đạt 127 triệu USD, tăng 27% so với năm 2017. Cty đã xuất qua hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, được khách hàng đánh giá cao về uy tín cũng như chất lượng sản phẩm. Năm 2018, IDI đạt hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 700 tỷ lợi nhuận trước thuế. Dự kiến năm 2019 doanh thu sẽ tăng cao hơn năm trước.
Năm 2019, IDI có những bước đột phá nào để tiếp tục XK cá tra?
Cty đầu tư ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra để phục vụ XK. Trong đó, vùng nuôi đạt gần 300ha, đủ khả năng đáp ứng hơn 80% nhu cầu nguyên liệu SX. Nhà máy thức ăn thủy sản đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với công suất 390.000 tấn/năm, cung cấp cho vùng nuôi của Cty cũng như bán ra trên thị trường. Hai nhà máy thủy sản đông lạnh luôn SX tối đa công suất với lượng nguyên liệu hàng ngày khoảng 350 - 400 tấn cá, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 cán bộ công nhân viên. Nhà máy bột cá tận dụng phụ phẩm từ chế biến cá tra để SX bột cá và mỡ cá thô.
Với công nghệ hiện đại từ châu Âu, Cty đầu tư SX và phân phối dầu ăn cao cấp Ranee được tinh luyện 100% từ cá tra, sản phẩm được tin dùng bởi người nội trợ. IDI cũng đang xúc tiến đầu tư và phát triển con giống với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia Israel. Cty có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy số 3 với công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày.
Theo ông, làm gì để ngành cá tra ĐBSCL phát triển ổn định trong thời gian tới?
Rõ ràng, bức tranh sáng sủa của ngành hàng cá tra hiện diện trước mắt chúng ta không phải là ngẫu nhiên và nhất thời mà đây là kết quả tất yếu của một quá trình vận động lâu dài, bằng sự nỗ lực và trả giá của cộng đồng DN, người nuôi cho đến hiệu quả từ vai trò quản lý Nhà nước, cụ thể là các bộ ngành, nhất là Bộ NN-PTNT.
Sự vận động, sàng lọc và đào thải theo quy luật thị trường dưới tác động của cơ chế chính sách Nhà nước đã làm cho những thành phần không đủ năng lực phải rời cuộc chơi, các mối quan hệ trở nên gắn kết hơn, môi trường kinh doanh dần lành mạnh trong sạch, ngành hàng cá tra bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển ổn định.
Trên thực tế, chính quyền địa phương các tỉnh cũng như Chính phủ và các Bộ, ngành đã có lời giải cho từng vấn đề và đang thực hiện các chủ trương chính sách lớn để giải quyết vấn đề. Trong đó có chương trình quản lý về hoạt động nuôi trồng, chế biến, XK theo Nghị định 55/2017/NĐ-CP, chương trình xây dựng chuỗi liên kết cá tra, quy hoạch vùng nuôi tập trung, chương trình giống cá tra 3 cấp và gần đây là khuyến khích DN ứng dụng KHCN để chế biến sâu, phát triển các sản phẩm mới, đưa nhiều hàm lượng gia tăng vào con cá tra để tái cấu trúc lại ngành hàng.
Tuy nhiên hành trình này rất gian nan và cần sự chung tay đồng lòng của xã hội, nhất là sự chủ động đi đầu của các DN chế biến, thành phần đang chiếm giữ nhiều nguồn lực và đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là những DN đầu ngành cá tra có đủ năng lực thực hiện. Khi đó, những thành quả của DN tiên phong sẽ tạo động lực cho các DN khác đi theo và từng bước dịch chuyển ngành công nghiệp cá tra theo đúng định hướng mong muốn.
Chế biến cá tra xuất khẩu |
Ông có những đề xuất gì để phát triển ngành cá tra?
Trước hết là vấn đề con giống, tính đến thời điểm hiện tại, ngành cá tra của chúng ta hình thành và phát triển đã hơn 20 năm, sản phẩm cá tra đã được Bộ NN-PNT đưa vào nhóm sản phẩm XK chủ lực và thu về lượng ngoại tệ không nhỏ cho đất nước.
Tuy nhiên, khâu con giống vẫn còn rất nhiều bất cập, chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng cá giống yếu, thoái hóa giống, tỷ lệ hao hụt rất cao khi thả nuôi. Vì vậy đề nghị Bộ NN-PTNT cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu và cải tạo giống. Có chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn, giảm thuế đối với các DN đầu tư phát triển con giống.
Song song đó, tích cực hỗ trợ các DN nghiên cứu đổi mới công nghệ, tiếp nhận và làm chủ công nghệ cao trong chuỗi SX cá tra nhằm nâng cao hiệu quả SX và tạo ra nhiều sản phẩm mới có hàm lượng GTGT cao hơn.
Tăng cường hỗ trợ DN và tổ chức các chương trình xúc tiến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nhất là các sản phẩm mới, mặt hàng GTGT từ cá tra đến với người tiêu dùng thế giới.
Xin cảm ơn ông!
"Kiến nghị Quốc hội giảm mức thuế VAT từ 10% hiện nay xuống còn 5% cho những sản phẩm GTGT từ cá tra nhằm giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, thu hút DN tham gia vào nghiên cứu SX hàng GTGT. Có chính sách ưu đãi lãi suất tín dụng cho các dự án chế biến sản phẩm GTGT làm từ cá tra", ông Trương Vĩnh Thành. Nhằm tránh xảy ra khủng hoảng thừa hay thiếu nguyên liệu, đảm bảo chất lượng nguyên liệu và bảo vệ môi trường phát triển bền vững, cần sát sao chỉ đạo các địa phương kiểm soát nghiêm ngặt chỉ nơi nào thuộc vùng quy hoạch mới cho phép nuôi cá tra và bắt buộc hộ nuôi phải có hợp đồng bao tiêu với nhà máy chế biến thì mới được thả nuôi. Hỗ trợ các địa phương nhanh chóng xây dựng các trung tâm giống theo mô hình liên kết SX giống 3 cấp để đảm bảo nguồn giống tốt, khắc phục tình trạng báo động hiện nay về thoái hóa giống cá tra. |