| Hotline: 0983.970.780

Mỏi mòn chờ nước sạch: Sẵn sàng hiến đất, hiến đường cho nước sạch

Thứ Sáu 27/09/2024 , 06:30 (GMT+7)

Ở những địa phương như Xuân Đán là khu vực đồi nên rất ít nước, bà con mong ngóng nước sạch mỗi ngày. Họ sẵn sàng hiến đất, hiến đường để phục vụ nước sạch.

Chờ nước sạch

Là một trong số ít những hộ gia đình có thể tự chủ về nguồn nước sinh hoạt, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Cường (57 tuổi, thôn Xuân Đán, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn luôn khao khát được sử dụng nước sạch nông thôn. Bởi với ông Cường, nguồn nước đó mới đảm bảo các chỉ số an toàn với sức khỏe khi sử dụng.

Ông Cường cho biết: “Nhà tôi có 2 cái giếng, bây giờ nước cũng dư dả, cũng chia được cho người cần trong làng. Nhưng có nước sạch thì tôi vẫn lắp vì nguồn nước nó đảm bảo. Hơn nữa nó cũng là nguồn dự phòng mỗi khi mà nguồn nước của giếng gặp vấn đề…”.

Người dân mong chờ nước sạch từng ngày vì hiện các đường ống đã được lắp đặt đến tận cổng nhưng chưa đi vào sử dụng. Ảnh: Minh Toàn. 

Người dân mong chờ nước sạch từng ngày vì hiện các đường ống đã được lắp đặt đến tận cổng nhưng chưa đi vào sử dụng. Ảnh: Minh Toàn. 

 

Hiện nay, các đường ống dẫn nước đã được lắp đặt đến sát cổng của các hộ gia đình. Đường ống này chạy dọc theo đường thôn và có thể lắp đặt cho bất cứ hộ gia đình nào có nhu cầu sử dụng. Trong cơn khát nên bất cứ thông tin nào về nước sạch cũng có thể làm dịu đi sự lo lắng về nguồn nước của những hộ gia đình ở đây.

Anh Nguyễn Thế Huy (44 tuổi, Xuân Đán) cho biết: “Nước sạch ở sát chân tường đây rồi, họ lắp xong hết từ cuối năm ngoái cơ, giờ chỉ đợi họ trải nhựa đường lại cho bằng phẳng với lắp đồng hồ nữa là xong. Nói thật, nhìn sang những địa phương lân cận người dân có nước sạch để dùng thì rất "thèm" vì nhà mình thiếu nước mấy năm nay rồi, vừa mới đào được cái giếng cách đây 2-3 năm thôi. Giờ cũng đủ nước rồi nhưng có nước sạch thì vẫn hơn…”.

Chờ đến bao giờ?

Hiện nay trên địa bàn xã Đồng Ích, hầu hết các thôn đã và đang được lắp đặt hệ thống nước sạch nông thôn. Trong đó, thôn Đại Lữ, Hoàng Trung đã hoàn thiện hơn 90%; con số này ở thôn Xuân Đán là hơn 70%. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn tồn tại những thôn chưa được lắp đặt hệ thống nước sạch, đó là thôn Bì La và Tân Lập.

Ông Trần Văn Đức (Chủ tịch UBND xã Đồng Ích) cho biết: “Sở dĩ có sự chậm trễ này là do sự quy hoạch của hệ thống nước sạch. Đồng Ích là một trong số những xã lấy nước từ sông Lô. Quãng đường di chuyển của nước để về đến địa bàn cũng tương đối là dài. Phải có quy hoạch, thử nghiệm mới có thể đưa vào sử dụng một cách hiệu quả… Mỗi thôn chạy thử nghiệm khoảng chục hộ. Ở những khu vực không có nước, chúng tôi cũng cố gắng bơm tạo nước mặt để ngấm dần xuống tạo nước ngầm cho bà con sử dụng”.

Ông Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của nước sạch đối với sự phát triển của địa phương. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của nước sạch đối với sự phát triển của địa phương. Ảnh: Hùng Khang.

Quá trình đưa nước sạch về địa bàn xã Đồng Ích gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, các công trình khác đều đã được đồng bộ. Quá trình lắp đặt đường ống tạo ra những sự xáo trộn nhất định đối với cuộc sống của bà con địa phương. Tuy nhiên, những người dân ở đây cũng thông cảm cho đơn vị thi công, vì với họ nước sạch còn quý hơn vàng bạc.

Trên thực tế, hơn 90% dân cư trên địa bàn đều đã đang ký sử dụng nước sạch. Ông Đức chia sẻ: “Nước sạch thì ai cũng muốn sử dụng. Vì ở những địa phương như Xuân Đán là khu vực đồi thì rất ít nước. Bà con phải đi xin nước, đi mua nước về sử dụng. Mà sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Vo gạo xong thì rửa mặt, rửa tay, cuối cùng là nấu cám cho lợn… Nên có nước sạch về ai cũng mừng, sẵn sàng hiến đất, hiến đường để phục vụ nước sạch…”. Dự kiến, cuối năm 2024, hơn 13.400 người trên địa bàn xã Đồng Ích sẽ có thể sử dụng nước sạch.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.