Sản phẩm trứng gà OCOP 3 sao đầu tiên tại đất Cảng
Ra trường, cầm trong tay tấm bằng chuyên môn cơ khí, anh Nguyễn Quang Vình, trú tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng về đầu quân cho một công ty đóng tàu ở Hải Phòng với mức lương nhiều người ao ước.
Sau thời gian gắn bó, dù công việc ổn định, thu nhập khá, nhưng sau mỗi lần về quê, nhận thấy các mô hình nuôi gà ri thả vườn cho hiệu quả kinh tế tốt, trong khi đó đất đai tại quê nhà rộng rãi và đang bỏ phí nên anh Vình quyết định từ bỏ công việc đang làm để trở về quê, gắn với con gà, quả trứng.
Thời điểm này, thực hiện chủ trương của TP Hải Phòng, đất trồng lúa nhiều nơi được quy hoạch chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản trang trại tổng hợp, gia đình anh Vình tích tụ diện tích đất sâu trũng năng suất thấp làm trang trại chăn nuôi.
“Tôi quyết định khởi nghiệp từ lòng đam mê, thích nuôi gà và mong ước làm sao để có một công việc tốt, phát triển trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra. Đó là động lực lớn nhất khiến tôi quyết định từ bỏ công việc đang ổn định để về quê khởi nghiệp”, anh Vình nhớ lại.
Về quê, kiến thức về chăn nuôi và kinh doanh ít ỏi nên anh Vình tìm đến mua con giống của Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ để nuôi gà thịt thương phẩm với suy nghĩ ban đầu là đảm bảo không bị lỗ quá nhiều. Trong quá trình nuôi, bất ngờ là gà phát triển nhanh và khi xuất bán, giá cả thị trường ổn định, trong vụ đầu tiên đã có lãi ngay.
Tuy vậy, điều này cũng chỉ duy trì được 3 năm, sau đó thị trường biến động, dịch bệnh hoành hành khiến việc nuôi gà thương phẩm gặp khó khăn, chi phí đội lên cao, khó cạnh tranh và nguy cơ thua lỗ luôn hiện hữu.
Không từ bỏ, anh Vình tiếp tục tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu thị trường, quyết tìm lối đi riêng. Sau nhiều lần va vấp thực tế, anh Vình nhận thấy, gà ri nuôi lấy trứng đang có xu thế phát triển mạnh, hạn chế được các khâu trung gian nên đã dốc vốn liếng quyết định đầu tư.
Bước đầu nuôi gà đẻ trứng, gia đình anh Vình gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh và dinh dưỡng để đảm bảo cho đàn gà đẻ đều, chất lượng tốt. Tuy nhiên, gia đình anh Vình vẫn quyết tâm mở rộng quy mô qua từng năm với những kỹ thuật và cách tiếp cận ngày một tốt hơn.
Năm 2021, sản phẩm trứng gà ở Hợp tác xã Duy Nhất của anh Vình được UBND TP Hải Phòng chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm về trứng gà đầu tiên và duy nhất tại thành phố Cảng được chứng nhận OCOP đến thời điểm này. Từ đó, trứng gà được tiêu thụ rộng rãi hơn và giá cả được cải thiện, cao hơn hẳn so với thông thường.
"Hiện, chúng tôi đang có quy mô 2 vạn con gà đẻ, bình quân mỗi ngày cung ứng cho thị trường trên 1,8 vạn quả trứng, trứng gà OCOP bán được giá cao, thu về khoảng 50 triệu đồng.
Dự kiến, đến năm 2025, chúng tôi sẽ phát triển quy mô lên khoảng 5 vạn con gà đẻ để cung ứng đủ nguồn trứng chất lượng cho thị trường. Nói chung, gà cứ đẻ ra trứng là có tiền", anh Vình chia sẻ.
Ông Vũ Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng ghi nhận: “Mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Quang Vình tại địa phương những năm qua rất hiệu quả, ngoài tạo công ăn việc làm cho người dân, thông qua Hợp tác xã Duy Nhất cũng đã có những đóng góp về thuế cho nhà nước. Là một vùng quê thuần nông, nếu chỉ trông chờ vào cây lúa và sản xuất nông nghiệp thông thường nông dân rất khó để làm giàu. Những người tiên phong, dám nghĩ, dám làm như anh Vình sẽ lan tỏa năng lượng rất tốt cho thế hệ trẻ con em địa phương, động viên người nông dân vươn lên, phấn đấu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Sẽ cho gà đẻ ăn dược liệu
Xác định nuôi gà đẻ là chủ đạo, anh Vình tập trung tất cả nguồn lực cho quả trứng sao cho đảm bảo năng suất mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng, trứng bán ra thị trường vừa thẩm mĩ, chuẩn dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người.
Để thực hiện được điều này, ngoài các giải pháp thông thường, anh Vình còn thuê chuyên gia về nghiên cứu để bổ sung những loại dinh dưỡng đặc biệt, có công thức riêng, loại thức ăn riêng cho gà ăn để có những quả trứng chất lượng, có thêm các chỉ số có lợi cho sức khỏe của con người.
Để có quả trứng chất lượng phải phòng bệnh, vacxin hiệu quả, kết hợp men vi sinh, thuốc bổ, hạn chế kháng sinh để con gà có sức khỏe tốt và cho sản phẩm tốt, hạn chế được thấp nhất khâu dùng kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phải chú trọng phòng vacxin đầy đủ, an toàn sinh học, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, men tiêu hóa để đảm bảo sức khỏe, thể trạng cho con gà. Nếu gà bị bệnh trứng mỏng vỏ, loãng lòng, lòng trắng bé,… Nguyên nhân là do gà không đủ dinh dưỡng để tạo ra một quả trứng chất lượng.
Vòng đời của 1 con gà đẻ trứng sẽ kéo dài khoảng 19 tháng, sau đó gà sẽ được bán cho khách hàng, các thương lái thu mua để chế biến, làm thực phẩm. Trong quãng thời gian này, 4 tháng đầu tiên là gà hậu bị và 15 tháng sau đó sẽ đẻ liên tục. Từ kinh nghiệm đã trải qua, anh Vình khẳng định, giai đoạn gà hậu bị là quan trọng nhất, ảnh hưởng đến năng suất và khả năng đẻ trứng.
Do vậy, lúc này, người chăn nuôi phải đặc biệt chú trọng tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, phải đảm bảo an toàn sinh học để tránh dịch bệnh và dùng các loại men vi sinh, thảo dược trộn vào thức ăn để nâng cao thể trạng sức khỏe cho gà.
“Trứng gà của Hợp tác xã Duy Nhất là sản phẩm về trứng gà duy nhất ở Hải Phòng đến thời điểm hiện tại được công nhận là sản phẩm OCOP. Hiện nay, nhu cầu thị trường ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận về trứng gà rất lớn, nếu mỗi ngày chúng tôi sản xuất ra 5 vạn quả vẫn tiêu thụ hết. Chúng tôi đang nghiên cứu để có thảo dược riêng vào thực đơn cho gà ăn, từ đó nâng cao giá trị, chất lượng quả trứng mà chắc chắn ít nơi có được”, anh Vình khẳng định.
Là người đi sau, để có sản phẩm tốt và thành công trên thị trường cần phải có lối đi riêng nên ngay từ những bước đi đầu tiên, anh Vình đã nghiên cứu và xác định, chỉ tập trung vào quả trứng. Anh cho rằng, trứng phù hợp cho thị trường bán lẻ, có tính bền vững và bán lẻ sẽ gần như trực tiếp cho người tiêu dùng, hạn chế được tử huyệt trong chăn nuôi là qua quá nhiều khâu trung gian.
Bên cạnh đó, thị trường trứng sẽ luôn có nguồn hàng ổn định, giá trị kinh tế đảm bảo. Trong sản xuất khó tránh những lúc thăng trầm, khó khăn, do vậy việc hạn chế bớt các khâu trung gian sẽ là lợi thế lớn, nhất là trong cạnh tranh về giá cả thị trường.
Đơn cử, nếu bán 20 tấn gà thịt phải qua thương lái lớn, sau đó mới đến thương lái nhỏ, từ đó mới đến tay bếp ăn, nhà hàng… ít nhất phải trải qua 4 giai đoạn mới đến người tiêu dùng nhưng với trứng gà người chăn nuôi chỉ qua hệ thống cửa hàng, siêu thị… là có thể đến với khách hàng.
“Làm một quả trứng sẽ giảm bớt khâu trung gian, đảm bảo giá thành tốt nhất, ổn định được nguồn thu cho người chăn nuôi, không bị lỗ do biến động của thị trường. Trong mọi hoàn cảnh, người chăn nuôi vẫn duy trì được sản xuất và có lãi, đây là yếu tố thành, bại trong sản xuất, kinh doanh”, anh Vình bộc bạch.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa của gia đình anh Nguyễn Quang Vình có tiềm năng lan tỏa cho các chủ trang trại khác trên toàn thành phố Hải Phòng.
Đây là một trong số ít trang trại nuôi gà ở Hải Phòng ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi thực phẩm an toàn và chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Thành công tại mô hình nuôi gà đẻ này sẽ lan tỏa nhân rộng cho các hộ gia đình chăn nuôi khác và tạo nên một cú hích trong sự phát triển chăn nuôi tại Hải Phòng.
Toàn thành phố Hải Phòng hiện có trên 1.084 trang trại chăn nuôi, trong đó có 914 trang trại gia cầm, trung bình mỗi năm cho ra thị trường khoảng 325 triệu quả trứng.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp và tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 120.000 tấn. Toàn thành phố sẽ có 100% trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn đạt cơ sở an toàn dịch bệnh, 100% cơ sở giết mổ áp dụng dây chuyền bán công nghiệp, công nghiệp, đồng thời có từ 50 - 60% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn được giết mổ tập trung.
Tầm nhìn đến năm 2045, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi ở Hải Phòng thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á, trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.