| Hotline: 0983.970.780

Triệu phú chăn nuôi vùng Đông Bắc: [Bài 1] Làm tốt ở mọi khâu và tốt ngay từ đầu

Thứ Hai 09/10/2023 , 06:21 (GMT+7)

Giám đốc Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ cho rằng, bài học về thành công trong chăn nuôi gà thật giản dị, phải làm tốt ở mọi khâu và phải tốt ngay từ đầu.

Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ hiện đang là 1 trong 3 nhà sản xuất gà ta nội địa lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ hiện đang là 1 trong 3 nhà sản xuất gà ta nội địa lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Người lính cụ Hồ thành triệu phú từ 50 con gà trắng

Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, mỗi năm cung cấp hơn 15 triệu con giống khắp mọi miền tổ quốc, ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ (Công ty Lượng Huệ) đã trải qua quãng thời gian dài với những bước đi gian nan, nhất là những ngày khởi nghiệp.

Ông Lượng kể, năm 1991, sau khi xuất ngũ, chứng kiến cuộc sống của người dân địa phương quá vất vả, nhiều gia đình cơm không có đủ ăn, quần áo không đủ mặc, cái đói, cái nghèo bủa vây quanh năm suốt tháng. Trăn trở, vợ chồng ông Lượng quyết tâm tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế, trước lo cho gia đình, sau nếu suôn sẻ giúp được hàng xóm.

Do vốn ít, kiến thức về kinh tế còn hạn chế, gia đình ông Lượng quyết định nuôi gà và bắt đầu khởi nghiệp từ 50 con gà trắng mua ở Nông trường Thành Tô. Cứ như vậy, lứa này qua lứa khác, gà lớn, vợ chồng ông Lượng lại mang vào các chợ trong thành phố Hải Phòng để bán và thật may mắn, nhìn giống gà lạ mắt, to, đẹp thịt lại ngon nên lần nào mang ra chợ cũng hết veo.

Bất ngờ với những kết quả ban đầu, thấy có lãi và so sánh với các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác, việc nuôi gà hiệu quả kinh tế tốt hơn nên vợ chồng ông Lượng đã toàn tâm, toàn ý đầu tư chăn nuôi với số lượng ngày một lớn hơn.

Ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ từng là một người lính cụ Hồ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ từng là một người lính cụ Hồ. Ảnh: Đinh Mười.

Dù vậy, cũng như bao người chăn nuôi khác, vợ chồng ông Lượng phải nếm trải trái đắng từ rủi ro, dịch bệnh. Sau mỗi lần biến cố xảy ra, phải chật vật mãi mới gượng dậy được để quay trở lại sản xuất.

Lần đầu xảy ra năm 1996, khi vừa nhập 2.000 gà giống siêu thịt ở Pháp về, một công nhân do sơ suất đã làm cháy phân xưởng, thiêu rụi cả đàn gà, mấy trăm triệu đồng theo đó cũng không cánh mà bay.

Lần thứ 2, xảy ra vào tháng 5/2005 khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát. Lúc này vợ chồng ông Lượng đang có hơn 2 vạn gà đẻ trứng bị xác định nằm trong vùng dịch. Dù không phải tiêu hủy nhưng lại không tiêu thụ được, gà càng lớn ăn càng khỏe, để duy trì, vợ chồng ông Lượng đã phải cắm nhà cửa đang ở vào ngân hàng để lấy tiền mua thức ăn chăn nuôi cho đàn gà chờ qua dịch.

Sau này, khi Hải Phòng công bố hết dịch cúm gia cầm cũng là lúc thị trường thiếu gà thịt trầm trọng, gia đình ông Lượng như gặp số độc đắc, sau khi bán đàn gà không chỉ thu hồi được vốn mà còn dư một khoản lãi kha khá.

Con giống gia cầm của Công ty Lượng Huệ được tiêm đầy đủ các loại vacxin trước khi giao cho người dân. Ảnh: Đinh Mười.

Con giống gia cầm của Công ty Lượng Huệ được tiêm đầy đủ các loại vacxin trước khi giao cho người dân. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng từ những lần “chết hụt” đó, ông Lượng rút ra kinh nghiệm xương máu trong chăn nuôi làm kim chỉ nam cho hệ thống các trang trại vệ tinh sau này, đó là: “Muốn trang trại phát triển, phải đầu tư chăn nuôi khép kín, cứ như vậy, ông bắt tay vào học hỏi, đầu tư”.

Từ đó đến nay, việc nuôi gà của vợ chồng ông Lượng lên như giều gặp gió, để mở rộng quy mô và hoạt động bài bản, năm 2026, ông Lượng thành lập Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ, chỉ trong thời gian gần 20 năm, doanh nghiệp này đã vươn lên trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất gà ta nội địa lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Giống gia cầm Lượng Huệ chia sẻ, hiện doanh nghiệp có hơn 50 trang trại vệ tinh. Giống gia cầm của công ty được bán đi tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Trước khi bán, con giống đều được tiêm phòng đầy đủ vacxin. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp bán ra thị trường khoảng 15 triệu con giống các loại, 1,5 triệu quả trứng, 1 triệu con gà thịt được giết mổ và bán vào các siêu thị, cung cấp gà thịt cho các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể và hàng loạt trường học ăn bán trú.

Cơ sở giết mổ tập trung của Công ty Lượng Huệ được đầu tư hiện đại bậc nhất ở khu vực miền Bắc. Ảnh: Đinh Mười.

Cơ sở giết mổ tập trung của Công ty Lượng Huệ được đầu tư hiện đại bậc nhất ở khu vực miền Bắc. Ảnh: Đinh Mười.

Liên kết chặt chẽ 4 nhà

Là người thành công với con gà và là số ít trở thành triệu phú từ chăn nuôi, nhưng hàng ngày ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty Lượng Huệ vẫn có thói quen tới trang trại từ rất sớm, khi đàn trống choai còn chưa kịp dậy tập gáy, ông thường đi dọc khu chuồng trại rộng dài san sát để quan sát, tiếp tục tìm tòi những giải pháp tốt nhất trong chăn nuôi.

Ông Lượng cho rằng, bài học về thành công trong chăn nuôi gà thật giản dị, phải làm tốt ở mọi khâu và phải tốt ngay từ đầu. Người chăn nuôi có tâm thôi là chưa đủ, cần phải có tầm, bởi có muốn mà không đủ năng lực cũng không thể làm tới nơi tới chốn và “lợi ích bền vững của doanh nghiệp luôn gắn liền với giá trị mà doanh nghiệp đó tạo ra cho cộng đồng”.

Người nông dân vốn quen với cây lúa, củ khoai, nay chuyển sang chăn nuôi số lượng lớn sẽ có những đắn đo, đặc biệt là đầu tư các trang trại quy mô. Những điều này ông Lượng đã quá tỏ tường và trải qua với đàn gà 50 con ngày đầu khởi nghiệp, bao nhiêu khu chuồng trại mọc lên cũng là bấy nhiêu trằn trọc.

Từ những gì đã trải qua, ông Lượng khẳng định đã hiểu và biết chính xác khi nào, ai sẽ cần hỗ trợ gì để đồng hành tư vấn cầm tay chỉ việc. Từ con giống, quy trình chăn nuôi, phòng dịch bệnh, giết mổ đảm bảo vệ sinh tới tiêu thụ để có hiệu quả và kinh tế nhất.

“Chính những bài học từ vấp ngã sẽ giúp việc trả giá sau này bớt phần đắt đỏ và đường tới thành công cũng sẽ ngắn hơn”, ông Lượng tâm sự.

Ông Lượng cũng quan niệm, việc liên kết để phát triển bền vững trong chăn nuôi cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn về bí quyết của người trồng ngô giỏi, tức là “vừa lai tạo cho ruộng nhà, vừa chia hạt giống tốt cho các trang trại xung quanh. Khi gió thụ phấn cho ngô, ruộng của gia đình cũng không bị lai tạp giống xấu”. Bằng trình độ khoa học kỹ thuật, thương hiệu, uy tín, mạng lưới, quan hệ,… Từ đó, Công ty Lượng Huệ xác định, sẽ là cầu nối gắn kết chặt chẽ để mỗi bên đều có lợi và phát huy tổng lực của toàn mối liên kết.

Công ty Lượng Huệ hỗ trợ con giống tốt cho người dân. Ảnh: Đinh Mười.

Công ty Lượng Huệ hỗ trợ con giống tốt cho người dân. Ảnh: Đinh Mười.

“Tầm nhìn của chúng tôi không phải là ấp nở thật nhiều, kinh doanh thật tốt mà làm sao cùng bà con, các hộ chăn nuôi làm giàu, chính đáng và bền vững. Vậy chỉ có một cách là liên kết chặt chẽ bốn nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông”, ông Lượng bộc bạch.

Là người từng trải với lĩnh vực chăn nuôi và đã nếm đủ trái đắng mới có tên tuổi, ông Lượng quan niệm, cả thế giới sẽ tới Việt Nam để cạnh tranh với từng doanh nghiệp, trang trại, từng hộ chăn nuôi. Do đó, nếu ai không có nguồn giống tốt nhất, không có hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất, không tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sẽ thua "lấm lưng trắng bụng" ngay trên sân nhà.

Hiện, Lượng Huệ là công ty gia cầm hiếm hoi tại Việt Nam đã hoàn thiện mô hình chăn nuôi khép kín theo phương pháp an toàn sinh học, cùng khát vọng xây dựng và sở hữu trung tâm giết mổ gia cầm lớn nhất các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Từ những thành tích đạt được, Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ đã nhận được rất nhiều giải thưởng uy tín, có giá trị. Cá nhân ông Phạm Văn Lượng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ, được Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng ghi nhận là 10 gương mặt tiêu biểu của TP. Hoa Phượng Đỏ năm 2022. Năm 2023, ông Lượng được lựa chọn là một trong những gương mặt dự Đại hội Hội Nông dân xuất sắc toàn quốc.

“Công ty Lượng Huệ là một trong những thương hiệu đi đầu trong ngành chăn nuôi gia cầm, có lợi thế bứt phá trong việc tổ chức chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín. Công ty đã làm chủ và kiểm soát hoàn toàn chất lượng các mắt xích trong chuỗi: sản xuất, chăn nuôi giống gia cầm, thủy cầm thịt; phát triển con giống chất lượng cao; chế biến, giết mổ và bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm sạch; nghiên cứu và sản xuất thức ăn chăn nuôi dành riêng cho gà bản địa; tạo dựng hệ thống trang trại chăn nuôi vệ tinh quy mô. Đồng thời đây cũng là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng phương pháp an toàn sinh học vào sản xuất, chăn nuôi theo mô hình VietGAP với quy mô lớn”, bà Trần Thị Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng chia sẻ.

Xem thêm
Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Nam Định: Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp 5 - 7 lần năm trước

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, sau đợt phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ 30/4 - 4/5, mật độ sâu sau phun vẫn còn cao.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).