| Hotline: 0983.970.780

Mối nguy lòng sông Hồng ngày càng tụt sâu

Thứ Ba 15/02/2022 , 15:45 (GMT+7)

HÀ NỘI Lòng dẫn sông Đà, đặc biệt là đoạn từ huyện Ba Vì (Hà Nội) lên thượng nguồn hiện đã hạ thấp từ 1 đến 1,5m so với cùng thời điểm năm 2021.

Lòng dẫn sông Hồng có chỗ hạ thấp 1,5m so với năm 2021

Ngày 15/2, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực (EVN) đã kiểm tra tình hình cấp nước đổ ải vụ đông xuân tại những “điểm nóng” thường xuyên lấy nước chậm tại Hà Nội. Tại trạm bơm dã chiến Phù Sa, Thị xã Sơn Tây (do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích quản lý), mực nước sông Hồng dao động trong khoảng 1,8m.

Công nhân Công ty Thủy lợi Sông Tích vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước từ sông Hồng cấp nguồn cho hệ thống vào ngày 15/2. Ảnh: Minh Phúc.

Công nhân Công ty Thủy lợi Sông Tích vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước từ sông Hồng cấp nguồn cho hệ thống vào ngày 15/2. Ảnh: Minh Phúc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hải, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Tích cho biết, trạm bơm dã chiến Phù Sa được thiết kế ở mực nước 2,2m. Bởi vậy, trong điều kiện mực nước thấp như hiện nay, việc vận hành các tổ máy bơm để lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân sẽ kéo dài hơn, lượng điện năng tiêu tốn sẽ lớn hơn.

Theo ông Hải, những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát, sỏi. Đáng lo ngại nhất là trạm bơm Trung Hà (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì) gần như không thể vận hành trong cả 3 đợt xả nước tăng cường phục vụ vụ đông xuân 2021 – 2022.

Cụ thể, trong 3 đợt lấy nước, chỉ có 2 trong tổng số 9 tổ máy của trạm bơm Trung Hà có thể vận hành 2 - 3 ngày. Lý giải về nguyên nhân trên, Tổng cục Thủy lợi cho biết, lòng dẫn sông Đà, đặc biệt là đoạn từ huyện Ba Vì (Hà Nội) lên thượng nguồn hiện đã hạ thấp từ 1 đến 1,5m so với cùng thời điểm năm 2021.

Về kế hoạch cấp nước, ông Nguyễn Trí Hải khẳng định: “Công ty đang dồn toàn lực để đảm bảo cung cấp nước tưới đúng tiến độ”. Đến nay, diện tích mặt bằng có nước trong phạm vi phục vụ của Công ty Thủy lợi Sông Tích đã đạt gần 90%, diện tích đã làm đất khoảng 78% và diện tích gieo cấy đạt khoảng 60%.

Nông dân huyện Phúc Thọ xuống đồng gieo cấy lúa vụ đông xuân. Ảnh: Minh Phúc.

Nông dân huyện Phúc Thọ xuống đồng gieo cấy lúa vụ đông xuân. Ảnh: Minh Phúc.

Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài, một số diện tích mạ vẫn còn non, chưa đủ điều kiện gieo cấy. Do đó, Công ty Thủy lợi Sông Tích đề nghị Tổng cục Thủy lợi và EVN đảm bảo duy trì mực nước sông Hồng tại Sơn Tây đạt 1,8m trở lên trong đợt 3 lấy nước để Công ty tranh thủ lấy nước vào hệ thống và tích trữ để phục vụ các địa phương gieo cấy trà xuân muộn và tưới dưỡng. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cần vận động bà con ra đồng để nước về đến đâu làm đất và gieo cấy luôn đến đó, tránh thất thoát, lãng phí.

Về lâu dài, Bộ NN-PTNT cần có giải pháp cấp bách và lâu dài để các công trình thủy nông dọc sông Hồng có thể chủ động lấy nước trong điều kiện dòng chảy bình thường, không phụ thuộc vào việc xả nước tăng cường của các hồ chứa thủy điện. Nhất là đầu tư xây dựng mới trạm bơm cố định Phù Sa và các trạm bơm khác.

Hà Nội cơ bản hoàn thành gieo cấy trong tháng 2/2022

Ông Đặng Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, đến nay, khoảng 96,5% diện tích gieo cấy vụ đông xuân của Thành phố đã có đủ nước, còn khoảng 2.000 ha (trong đó gần 900 ha phụ thuộc vào nguồn nước sông Hồng) đang chờ nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì. Với tiến độ lấy nước như hiện nay, dự kiến đến hết ngày 16/2, ngành thủy lợi sẽ cơ bản cấp đủ nước để bà con gieo cấy đúng lịch thời vụ tối ưu trong tháng 2.

Về phía EVN, ông Nguyễn Quốc Chính (Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất EVN) chia sẻ: Theo kế hoạch, đợt xả nước tăng cường đợt 3 bắt đầu từ 0h ngày 13/2 đến hết ngày 17/2. Tuy nhiên, Tập đoàn đã phát điện tăng cường hồ thủy điện Hòa Bình trước đó 2 ngày để duy trì mực nước sông Hồng tại Sơn Tây dao động ở mức khoảng 1,8m.

Đoàn công tác khảo sát địa điểm triển khai dự án xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác khảo sát địa điểm triển khai dự án xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Ảnh: Minh Phúc.

“Năm nay, tình hình lấy nước đổ ải vụ đông xuân khả quan. Qua 2 đợt xả nước trước đó, diện tích đủ nước toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã đạt khoảng 95%. Bởi vậy, đợt 3 xả nước tăng cường được điều tiết linh hoạt để trạm bơm Phù Sa và một số trạm bơm dã chiến của Hà Nội lấy nước. Chúng tôi đảm bảo 100% diện tích gieo cấy toàn khu vực sẽ đủ nước theo đúng kế hoạch”.

Cũng theo tính toán của EVN, qua 2 đợt xả nước, đã tiết kiệm được khoảng 1 tỷ m3 nước so với kế hoạch ban đầu. Và với tiến độ lấy nước như hiện nay, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi) cho rằng, trong đợt 3 lấy nước, nếu điều tiết hợp lý, linh hoạt, chúng ta có thể tiết kiệm được thêm khoảng 200 triệu m3 nước.

Trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, nhiều trạm bơm mực nước thấp trên hệ thống sông Hồng sẽ được đầu tư xây mới, điển hình là trạm bơm Phù Sa, trạm bơm Liên Mạc (Hà Nội), trạm bơm Xuân Quan (Hưng Yên)… sẽ được đầu tư xây dựng. Khi các công trình đi vào hoạt động, các công trình thủy lợi trên sông Hồng sẽ lấy nước thuận lợi hơn.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.