| Hotline: 0983.970.780

Mỗi tháng 1 vạn doanh nghiệp rời thị trường

Chủ Nhật 26/09/2021 , 18:07 (GMT+7)

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TTXVN.

Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TTXVN.

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là các đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức và 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.

Thích ứng linh hoạt

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cho rằng, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

Sau một thời gian phòng, chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Có được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Hội nghị tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Theo đó, nếu chỉ tập trung chống dịch thì sẽ hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân.

Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong thời gian qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong thời gian qua. Ảnh: Tùng Đinh.

Xem xét hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, người lao động

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho thấy, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp.

Trong 59 nhiệm vụ, giải pháp, có 21 giải pháp liên quan đến sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; 38 giải pháp liên quan đến hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; 18 nhiệm vụ cần hoàn thành trong tháng 9/2021. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao và đạt được một số kết quả cụ thể.

Ví dụ, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hoá giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội với các địa phương khác; các địa phương không tự ý đặt ra các “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa...

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo về việc ưu tiên tiêm vacxin cho người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.

Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 bao gồm 12 chính sách hỗ trợ với tổng mức khoảng 26.000 tỷ đồng. Nhiều chính sách trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện, sửa đổi Nghị quyết này theo hướng giảm bớt thủ tục, sát với thực tế nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng giá trị khoảng 115.000 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép thực hiện giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương. Ảnh: VGP.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành việc giảm miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Công thương kiến nghị các địa phương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế hoặc kế hoạch mở cửa, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023...

Cần nhìn nhận doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình đã thay đổi, Việt Nam cần có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.

Các doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với virus, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Về chiến lược ứng phó với Covid-19, Chủ tịch VCCI đề xuất thay đổi theo hướng thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.

Cần tập trung cho mặt trận duy trì, phát triển kinh tế.

Cần tập trung cho mặt trận duy trì, phát triển kinh tế.

Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Từ góc độ này, ông Phạm Tấn Công đưa ra 2 đề xuất trong chống dịch, đầu tiên là cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

Với quan điểm coi doanh nghiệp là một chủ thể trong cuộc chiến chống Covid-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, lãnh đạo VCCI đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Nhắc lại 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/9, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là vacxin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết.

"Nói ngắn gọn, vacxin là chìa khóa, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vacxin. Thứ hai sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này thì hậu quả là khó lường", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

VCCI cũng đề nghị cần đổi tên "Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19" thành "Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế" để thực hiện song song hai nhiệm vụ trên.

Cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống "Thẻ xanh Covid-19", thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp…

Mỗi tháng 1 vạn doanh nghiệp rời thị trường

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lây lan ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ngoài ra, còn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết khác của Chính phủ như: chính sách về thực hiện linh hoạt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách tài khóa khác; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh...

    Tags:
Xem thêm
Đặt, duy trì hoạt động của cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại

Đây là một trong những trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.