| Hotline: 0983.970.780

Mong mỏi nguồn nước tưới nơi các công trình thủy lợi trăm tỷ

Chủ Nhật 24/03/2024 , 20:30 (GMT+7)

Dù đã hoàn thành trong nhiều năm nhưng các công trình thủy lợi hàng trăm tỷ đồng ở Gia Lai vẫn chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư do thiếu kênh nhánh dẫn nước.

Công trình thủy lợi Ia Rtô luôn đầy nước nhưng chưa thể phục vụ nguồn nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn. Ảnh: Tuấn Anh.

Công trình thủy lợi Ia Rtô luôn đầy nước nhưng chưa thể phục vụ nguồn nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin về việc bất cập ở các công trình thủy lợi hàng trăm tỷ đồng ở tỉnh Gia Lai chưa có kênh nhánh dẫn nước. Đến nay đã trải qua nhiều năm, các kênh nhánh vẫn chưa được đầu tư xây dựng, ruộng đồng của người dân thì ngày càng khô khát, còn các công trình thủy lợi đang “án binh bất động”.

Khao khát nguồn nước tưới

Ghi nhận tại hồ chứa nước Ia Rtô (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa), dự án có tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng, khởi công từ cuối năm 2018, hoàn thành cuối năm 2021. Theo kế hoạch, hồ chứa nước Ia Rtô sẽ cấp nước tưới cho 120ha lúa 2 vụ, 400ha mía và 80ha hoa màu trên địa bàn xã Ia Rtô. Đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân thị xã Ayun Pa góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho hơn 2.600 người dân tại xã Ia Rtô và xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân đang rất cần nguồn nước tưới từ thủy lợi Ia Rtô. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân đang rất cần nguồn nước tưới từ thủy lợi Ia Rtô. Ảnh: Tuấn Anh.

Tuy nhiên, đã trải qua 3 năm kể từ ngày hoàn thành xây dựng phần thân đập và hệ thống kênh chính, hồ chứa nước Ia Rtô luôn đầy nước nhưng vẫn chưa hoạt động và đưa nước về vùng tưới như kế hoạch. Nguyên nhân do chưa có hệ thống kênh nhánh nên không thể dẫn nước đến đồng ruộng.

Chính vì chưa có nguồn nước tước đã khiến cho hàng trăm ha đất của người dân vùng hạ du vẫn khô khát. Ghi nhận thực tế cho thấy đến nay hồ chứa nước Ia Rtô vẫn chưa hoạt động, nguồn nước ở kênh chính chảy theo kiểu “nhỏ giọt”. Trong khi đó, phía dưới vùng hạ du cách đập chính không xa, ruộng đồng của rất nhiều hộ dân đang rất cần nước nhưng chưa được hưởng nguồn nước từ hồ thủy lợi này.

Để có nguồn nước tưới, một số hộ dân phải đào hồ, kéo đường ống cả trăm mét rồi dùng máy bơm để đưa nước về tích trữ. Nhiều hộ khác không có điều kiện thì chấp nhận để ruộng bỏ hoang hoặc trồng cây khoai mì vì không cần nhiều nước tưới.

Đang loay hoay kéo đường ống nước để tưới cho vườn ớt và cà pháo trên diện tích 3 sào của gia đình, ông Nguyễn Văn Tiên (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) cho biết, vài năm nay, thủy lợi gần như không hoạt động, thỉnh thoảng xả nước vào ban đêm. Tận dụng những lúc thủy lợi xả nước, gia đình tranh thủ đưa nước vào trong hồ tích trữ.

“Phía trên gần đập chính, nhiều hộ dân tận dụng trồng thuốc lá và đã chiếm dụng hết nguồn nước mỗi lần thủy lợi xả nước. Trong khi, các hộ dân canh tác phía dưới này gần như không có nước phục vụ cây trồng”, ông Tiên chia sẻ.

Cũng theo ông Tiên, chính vì hạn chế nguồn nước tưới, cánh đồng tại khu vực xã Ia Rtô càng trở nên khô khốc, hoang vắng. Thỉnh thoảng mới thấy 1 vài hộ dân vào đây canh tác, nhưng chủ yếu trồng cây khoai mì, thuốc lá. Mong mỏi về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để có nguồn nước tưới, ông Tiên phải đào hồ rồi kéo ống hàng trăm mét đưa nước về. Ảnh: Tuấn Anh.

Để có nguồn nước tưới, ông Tiên phải đào hồ rồi kéo ống hàng trăm mét đưa nước về. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, tại huyện xã Chư Don (huyện Chư Pưh) hồ chứa nước Plei Thơ Ga được đầu tư xây dựng gần 230 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành công trình này sẽ cấp nước cho 620 ha lúa nước và 1.000 ha cây công nghiệp. Cùng với đó, công trình này cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân trên địa bàn. Thiết kế là vậy, nhưng trên thực tế, công trình này mới chỉ cung cấp nước tưới cho gần 200ha cây trồng.

Ông Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Chư Don (huyện Chư Pưh) cho biết, sau khi hoàn thành, thủy lợi Plei Thơ Ga đang cung cấp nước xuống đập tràn của hệ thống kênh mương cũ. Hiện thủy lợi  Plei Thơ Ga cung cấp nguồn nước cho khoảng 100ha cây trồng trên địa bàn.

“Hiện nay tuyên kênh chính vẫn đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng khu vực gần đó, còn phía xa hơn thì vẫn thiếu nước. Chính vì vậy, xã đã có đề xuất nâng cấp các hệ thống kênh mương cũ, đồng thời xây dựng thêm các tuyến kênh nhánh để chia sẻ nước, dẫn tới các chân ruộng cho người dân”, ông Hà chia sẻ.

Các kênh nhánh sẽ được xây dựng cuối năm 2024

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều công trình thủy lợi khác như Pleikeo (huyện Chư Sê), Tầu Dầu 2 (huyện Đăk Pơ)… cũng rơi vào cảnh tương tự khi thiếu hệ thống kênh nhánh, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Hồ chứa nước Plei Thơ Gia chưa hoạt động hết công suất theo thiết kế. Ảnh: Tuấn Anh.

Hồ chứa nước Plei Thơ Gia chưa hoạt động hết công suất theo thiết kế. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước nhu cầu cấp bách về nguồn nước, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai mới đây đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các hệ thống kênh nhánh tưới nước tại hồ Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Tầu Dầu 2, Pleikeo và đầu tư xây mới hồ chứa nước Cà Tung (huyện Đăk Pơ). Tổng kinh phí đầu tư các dự án trên khoảng 485 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Cụ thể, dự án hồ chứa nước Ia Rtô sẽ xây dựng mới 9 tuyến kênh nhánh với tổng chiều dài kênh khoảng 16 km. Trong đó, kéo dài kênh chính thêm 1,7 km và các kênh nhánh bổ sung dài 14,2 km.

Đối với hồ chứa nước Plei Thơ Ga, sẽ kênh chính kiên cố các đoạn kênh đất và mở rộng mặt cắt các đoạn kênh bê tông hiện trạng để đảm bảo dẫn nước tưới cho 420ha. Trong khi đó, hồ chứa nước Plei Keo sẽ đầu tư tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài khoảng 6.300m và kênh nội đồng dài 5.200m. Còn hồ chứa nước Tầu Dầu 2 được đầu tư xây dựng 33 tuyến kênh và công trình trên tuyến với tổng chiều dài khoảng 19km.

Nhiều hộ dân mong mỏi  nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân mong mỏi  nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh.

Đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, để thực hiện các dự án trên cần phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, diện tích đất thực hiện dự án chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện, thị xã đã được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai đang phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành, Ban Quản lý đang trình Bộ NN-PTNT thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, các kênh nhánh sẽ được thi công xây dựng vào năm 2024 để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.