Trong chuyến thăm một trung tâm huấn luyện thể thao tại Kiev, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo hôm 28/3 cho biết các vận động viên Nga và Belarus "không được hoan nghênh" tại Thế vận hội 2024 diễn ra tại Paris vào tháng 7 và tháng 8 năm nay.
"Tôi muốn nói với các vận động viên Nga và Belarus rằng họ không được hoan nghênh ở Paris", bà Hidalgo nói, mặc dù các vận động viên từ 2 nước được phép tham dự với tư cách vận động viên trung lập.
Đáp lại phát biểu của thị trưởng Paris, hôm 31/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng Nga có "rất nhiều mặt hàng có thể thay thế các sản phẩm từ Pháp".
"Các bạn có nghĩ rằng có lẽ chúng ta nên nhắm vào các mặt hàng của Pháp hiện đang được được tiêu thụ rộng rãi ở Nga và thông báo rằng chúng sẽ không được hoan nghênh?", bà Zakharova chia sẻ trên Telegram hôm 31/3.
Bà Zakharova dự đoán rằng nếu Nga tẩy chay các sản phẩm của Pháp, "đại diện các doanh nghiệp Pháp sẽ bắt chước cuộc biểu tình của nông dân và xông vào Tòa thị chính Paris". Hồi cuối tháng 2/2024, một nhóm nông dân biểu tình đã gây náo loạn Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế ở Paris ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron. Nhiều người biểu tình đã kêu gọi Tổng thống Pháp từ chức.
Sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) yêu cầu các vận động viên của Nga và Belarus không được phép thi đấu tại các sự kiện quốc tế. Đến tháng 12/2023, cơ quan này đồng ý cho phép vận động viên hai nước tham gia Olympic Paris với tư cách vận động viên trung lập.
Đầu tháng này, IOC thông báo rằng tối đa 55 vận động viên Nga được đăng ký tham gia, trong khi con số này của Belarus là 28. Tuy nhiên, theo ước tính của giám đốc IOC James Macleod, chỉ có khoảng 36 vận động viên Nga và 22 vận động viên Belarus sẽ tham dự Thế vận hội.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng quyết định của IOC "phá hủy ý nghĩa của Olympic và phân biệt đối xử với các vận động viên". Những hạn chế này "hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của phong trào Olympic", ông nói thêm.