| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/10/2019 , 09:30 (GMT+7)
Trần Thanh Sơn

Trần Thanh Sơn

Nhà báo 09:30 - 16/10/2019

Một giây hay mấy giây, chủ quyền đất nước đều không thể lơ là

Rất hoan nghênh quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hy vọng, Bộ này sẽ xử lý thực sự nghiêm túc sự cố phim Everest - người tuyết bé nhỏ.

Việc bộ phim Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable), có sự tham gia sản xuất của một công ty Trung Quốc, lấy bối cảnh Trung Quốc thời hiện đại, vừa bị rút khỏi các rạp chiếu phim tại Việt Nam tối ngày 13/10, sau hơn 1 tuần ra rạp, đang gây xôn xao dư luận.

Một cảnh trong phim Everest - người tuyết bé nhỏ.

Dư luận bức xúc với phim Everest - người tuyết bé nhỏ vì nhiều khán giả đã phát hiện hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim của phim này. Đó là sự vi phạm tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, đã liên tiếp có những bộ phim Trung Quốc hoặc có doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sản xuất, có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đã lọt qua cửa thẩm định, để được trình chiếu công khai tại nước ta.

Năm ngoái, phim Biệt đội Biển Đỏ cũng của Trung Quốc, ở phần cuối phim có cài cắm nội dung thông tin bất lợi về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cũng đã được cho phép chiếu tại các rạp ở Việt Nam. Chỉ sau khi dư luận lên tiếng, phim này mới bị rút ra khỏi các cụm rạp.

Theo quy định, một bộ phim điện ảnh của nước ngoài hay của Việt Nam, trước khi được trình chiếu trong các rạp nước ta, đều phải trải qua sự thẩm định của Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Từ ý kiến của Hội đồng thẩm định phim quốc gia, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mới quyết định có cấp phép cho phim đó hay không.

Hội đồng thẩm định phim quốc gia chỉ có 11 thành viên, đa số đều đã cao tuổi, mà mỗi năm phải thẩm định hàng trăm bộ phim, thì khó có thể tránh khỏi sai sót. Tuy nhiên, với những nội dung, hình ảnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia, thì không thể để lọt dù chỉ một lần. Vậy mà, như đã nói ở trên, đã có tới 2 lần các nhà thẩm định phim để lọt những hình ảnh, nội dung như thế. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, nhà phát hành phim mới vội vàng rút phim ra khỏi rạp, và các nhà quản lý mới vào cuộc kiểm tra tìm nguyên nhân để lộ ra sai sót.

Tuy nhiên, việc xử lý tập thể, cá nhân vi phạm liên quan đến những bộ phim như thế có vẻ chưa được làm đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, sau khi xảy ra sự cố phim Điệp vụ Biển Đỏ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ kiện toàn lại Hội đồng thẩm định phim quốc gia, mà không hề kỷ luật một cá nhân nào.

Phải chăng vì thế mà người ta vẫn tiếp tục lơ là khi thẩm định phim, để rồi lại để lọt phim Everest - người tuyết bé nhỏ, với hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phải chăng cũng vì thế mà bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, một thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia, khi trả lời báo chí về việc để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trong phim Everest - người tuyết bé nhỏ, dù đã nhận sai sót, nhưng vẫn phát biểu một cách rất “hồn nhiên” rằng: Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên.

Câu nói trên của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát lại khiến cho dư luận dậy sóng. Bởi bà không chỉ là một lãnh đạo ở một cơ quan có nhiệm vụ “gác cổng” về điện ảnh, mà còn là một nhà biên kịch, một nhà thơ có tên tuổi. Không ai nghĩ với một người như thế mà lại có thể phát biểu một cách quá “hồn nhiên”, vô trách nhiệm về một vụ việc liên quan đến chủ quyền của đất nước.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ này đã xác định đây là một vụ việc nghiêm trọng và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đồng tình với phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, bởi dù là cơ quan quản lý hay người dân đều phải nêu cao ngọn cờ độc lập, chủ quyền đất nước lên hàng đầu.

Rất hoan nghênh quan điểm nói trên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hy vọng, Bộ này sẽ xử lý thực sự nghiêm túc sự cố phim Everest - người tuyết bé nhỏ. Bởi có như vậy mới khiến cho các thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia phải làm việc thật sự nghiêm túc, nâng cao trách nhiệm khi thẩm định phim, nhất là với những bộ phim có thể sẽ được người ta cố tình cài cắm trong ấy những nội dung, hình ảnh vi phạm chủ quyền đất nước Việt Nam.

Chủ quyền đất nước thì không thể lơ là, dù chỉ là trong 1 giây.

Bình luận mới nhất